Cần có giải pháp khác nhau đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện

Cần có giải pháp khác nhau đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH:

>> Gần 600 học viên cai nghiện trốn trại

(SGGPO).- Ngày 14-11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung chia sẻ với báo giới về các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng học viên phá trại cai nghiện liên tiếp xảy ra vừa qua, sau khi có chuyến công tác tại Trung tâm cai nghiện Xuân Phú (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần có những giải pháp khác nhau đối với 2 loại đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện.

Các lực lượng chức năng đưa học viên Trung tâm cai nghiện Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) trở lại trại, sau khi gần 600 học viên bỏ trốn vào ngày 23-10

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nói: “Bắt buộc là những người đã qua cai nghiện gia đình, cộng đồng nhưng nhiều lần không khỏi được. Những người đưa vào cai nghiện bắt buộc lại cần được phân loại những người có tiền án, tiền sự, vì trên thực tiễn, tất cả những chuyện phá cơ sở, trốn trại đều là những người có tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá, loạn thần, hướng thần… cầm đầu. Cần có khu vực riêng cho họ.

Còn đối tượng nhẹ hơn thì phải được đưa vào khu riêng. Đối với đối tượng mới vào, trong thời gian ngắn phải xác định được những người thuộc diện bắt buộc cai nghiện, còn những người còn lại khẩn trương đưa về gia đình.

Việc thứ hai, phải giải quyết tận gốc vấn đề, kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện và phải cách ly họ ra vì tâm lý những người vào cơ sở cai nghiện rất dễ bị kích động.

Các cửa phòng bị các học viên Trung tâm cai nghiện Đồng Nai đập phá để trốn ra ngoài ngày 23-10. Ảnh: Ngô Sỹ

Thứ ba, giải pháp rất căn cơ là phải nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện. 132 cơ sở cai nghiện hiện đều đang quá tải, 30-40% học viên có tiền án, tiền sự, rất dễ gây ra những vấn đề phức tạp xã hội. Việc đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện rất cần thiết thời gian tới, có lẽ cần áp dụng cơ chế rất đặc thù chứ nếu cứ đấu thầu như hiện nay thì không biết đến khi nào mới xong được. Hiện nay các cơ sở cai nghiện do địa phương quản lý, xây dựng, chỉ có một số ít địa phương như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện cai nghiện tương đối tốt, vừa có chỗ cai riêng, vừa có nơi vui chơi, giải trí, có nơi chăm lo tạo việc làm nên tạo môi trường cai nghiện tốt, số còn lại không đáp ứng, có nơi quá tải 30-40%, cá biệt có nơi gấp 3 lần.

Việc quá tải, cộng với nơi vui chơi không có, việc làm không có, chỉ ngồi thế thì rất dễ nảy sinh bức xúc. Vì vậy trong thời gian tới, chính quyền các cấp phải chú trọng, tách cơ sở ban đầu khác cơ sở bắt buộc. Phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi như là công trình cấp bách, phải được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng.

Giải pháp thứ tư là chú trọng chặn nguồn thuốc, chặn nguồn thẩm lậu, đấu tranh kiên quyết triệt phá tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma tuý. Hiện nay tại sao trong các cơ sở cai nghiện có tình trạng có người chạy trên mái nhà 4-5 tiếng, có trường hợp ngồi cột điện 5-6 tiếng không ngã, người thường có thể làm được không? Vì thế có nhiều ý kiến băn khoăn, hay chăng trong cơ sở cai nghiện của chúng ta còn tình trạng thẩm lậu ma túy vào. Đây là việc chúng ta phải giải quyết đến nơi đến chốn.

Điều cuối cùng, phải rất chú trọng chăm lo đội ngũ, cả đội ngũ cán bộ chuyên môn về y học, có kiến thức về tâm lý, trị liệu và đội ngũ những người làm công tác cai nghiện. Những cán bộ ở đây rất vất vả, khó khăn, gian khổ, luôn có những nguy cơ rình rập; nhưng mức lương chỉ có khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Tôi muốn nói phải có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng với gia đình, xã hội với cộng đồng bởi cuộc đấu tranh còn rất gay go, gian khổ. Nếu không phối hợp chặt chẽ thì không có cơ sở nào giải quyết được trọn vẹn vấn đề”.

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục