Cần có quy chuẩn dán nhãn xuất bản phẩm thiếu nhi

Theo Thông tư 09/2017 của Bộ Thông tin Truyền thông có hiệu lực chính thức từ ngày 1-10-2017, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa. 
Các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa
Các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa
Ngoài ra, các ấn phẩm có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em, bắt buộc phải có dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang bìa hoặc trang tên sách (bìa lót).
Bên cạnh đó, nếu sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 7 tuổi để minh họa, đơn vị xuất bản bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trẻ trên 7 tuổi cần có sự đồng ý của trẻ và của cha mẹ, người giám hộ.
Đây là một nỗ lực mới trong việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong nội dung các xuất bản phẩm dành cho trẻ em thời gian qua. Khác với các hình thức dán nhãn khác hiện mang nặng tính quản lý hay dùng để chống sách lậu, thường không được các đơn vị làm sách nhiệt tình do lo ngại về chi phí, việc dán nhãn phân biệt độ tuổi lại nhận được sự ủng hộ bởi hoạt động này được xem là mang lại lợi ích thiết thực cho người làm sách.
Trên thực tế, việc dán nhãn trên các xuất bản phẩm thiếu nhi đã được một số đơn vị xuất bản thực hiện từ cách nay gần 10 năm. Đi đầu là NXB Trẻ, đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng hình thức dán nhãn phân biệt độ tuổi cho sách thiếu nhi, thiếu niên.
Việc dán nhãn ban đầu được xem là một tình thế bất đắc dĩ của các đơn vị làm sách thiếu nhi. Khi đó, dòng sách thiếu nhi chính, ăn khách nhất tại Việt Nam là truyện tranh Nhật (manga).
Kết quả một cuộc thăm dò xã hội cho thấy, 70% số sách mà bạn đọc lứa tuổi mới lớn (12 - 18 tuổi) đọc là truyện tranh. Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển mạnh, manga cực kỳ đa dạng, dành cho mọi lứa tuổi, giới tính, từ nhi đồng đến thanh thiếu niên, người trưởng thành… thậm chí còn chuyên sâu như manga cho bà nội trợ, phụ nữ chưa chồng, dân văn phòng…
Khi manga vào Việt Nam, mâu thuẫn xảy ra do văn hóa đọc trong nước không có sự phân chia như vậy. Với người Việt, cứ hễ truyện tranh là chỉ dành cho trẻ em. Các ý kiến phản đối bắt đầu nổ ra khi các bậc phụ huynh phát hiện con em mình đọc các cuốn truyện tranh nhưng lại có nội dung dành cho các lứa tuổi lớn hơn. Nổi bật nhất lúc đó là vụ tranh cãi xung quanh một bộ truyện tranh Nhật viết về một nhóm cô gái lứa tuổi 13-14 với các vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn, tình yêu, tò mò tình dục, sự thay đổi của thể chất…
Bộ sách bị nhiều phụ huynh lên án rằng “vẽ đường cho hươu chạy”, không phù hợp với thiếu nhi. Trong khi một số người khác lại cho rằng, bộ sách rất phù hợp với bạn đọc tuổi teen, bởi nó góp phần giải đáp những vấn đề tế nhị mà bình thường các em ở lứa tuổi này ít muốn chia sẻ với người lớn. Để giải tỏa áp lực dư luận, NXB đã áp dụng hình thức dán nhãn trên bìa sách nhằm hỗ trợ bạn đọc, phụ huynh trong việc chọn sách. Hình thức này nhanh chóng được các đơn vị làm sách khác học theo và cho đến nay, đa số sách cho thiếu nhi, thiếu niên nhất là mảng truyện tranh đều có dòng chữ  theo kiểu: “Sách dành cho lứa tuổi…”.
Cách dán nhãn, phân chia độ tuổi trong dòng sách thiếu nhi, thiếu niên được xem là hình thức giảm nhẹ áp lực dư luận, mở đường cho sách đến với nhiều bạn đọc hơn. Lợi ích của việc dán nhãn vì thế không thể phủ nhận và cũng do vậy nhận được sự ủng hộ của các đơn vị làm sách.
Tuy nhiên, một vấn đề được nêu ra là việc phân chia độ tuổi bạn đọc cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng. Điển hình nhất là 2 NXB lớn là Trẻ và Kim Đồng đều có những chuẩn khác nhau về độ tuổi phù hợp với nội dung. Thông thường, các đơn vị tham khảo trên bản gốc (nếu có), sau đó là đánh giá lại trên khung do đơn vị đề ra.
Cho đến nay, việc tự đánh giá này được xem là tạm ổn, nhưng nếu áp dụng với quy mô chính thức trên cả nước thì đòi hỏi phải có quy định cụ thể. Nếu để các đơn vị tự dán nhãn theo chuẩn riêng thì sẽ có nguy cơ dẫn đến việc định dạng sai lứa tuổi bạn đọc, hay thậm chí là để sách dễ bán hơn.

Tin cùng chuyên mục