“Nếu có phần mềm mô phỏng hiện trạng ngập nước thì các cơ quan chức năng có thể dễ dàng cân nhắc và quyết định có cần nâng đường Kinh Dương Vương để chống ngập hay không? Từ đó sẽ không xảy ra những tình huống gây bức xúc cho bộ phận dân cư hai bên đường như vừa qua”, PGS-TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong khẳng định.
Người dân lưu thông khó khăn trên một tuyến đường bị ngập nước ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Kế thừa ứng dụng từ Hà Lan
Năm 2015, UBND TPHCM đã đặt hàng Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu giảm ngập nước thành phố đề tài xây dựng hệ thống mô phỏng hiện trạng ngập nước, thoát nước tại một khu vực của thành phố và đề ra các kịch bản ứng phó cụ thể; giao Sở Khoa học - Công nghệ xây dựng khung chương trình nghiên cứu tổng hợp về quản lý ngập nước, trình thành phố vào quý 1-2016.
Một nhóm nghiên cứu, do PGS-TS Trịnh Công Vấn làm trưởng nhóm, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan đã thực hiện đề tài xây dựng bộ công cụ hỗ trợ dựa vào ứng dụng 3Di và hệ thống Lizard. Theo PGS-TS Trịnh Công Vấn, các cơ quan quản lý của thành phố chưa có đủ công cụ hỗ trợ cho việc quy hoạch hệ thống thoát nước và những hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thoát nước. Trong khi việc quản lý duy tu và vận hành các hạ tầng kỹ thuật tiêu thoát nước còn bất cập cũng là nguyên nhân gây ngập nước cục bộ. Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư xây dựng với số vốn khổng lồ. Thế nhưng, công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ quản lý tổng hợp ngập nước chưa được đầu tư, thì một khi các hệ thống công trình kỹ thuật hoàn thành và đưa vào sử dụng, cũng không thể quản lý vận hành một cách đồng bộ. Do đó, việc xây dựng một bộ công cụ hỗ trợ quyết định trong quản lý tổng hợp ngập nước là rất cần thiết, đặc biệt là công cụ mô phỏng tình trạng ngập nước theo thời gian thực.
Ứng dụng 3Di và hệ thống Lizard được phát triển bởi Hà Lan và hiện tại các thành phố lớn của nước này như Denhag, Amsterdam và Rotterdam… đều sử dụng để mô phỏng hoạt động của hệ thống tiêu thoát nước. Ứng dụng này có thể mô phỏng dòng chảy thực và hệ quả của lũ, mưa lớn, ngập úng, cho cả diễn biến hiện tại (ví dụ trong cơn mưa lớn) và cả cho các kịch bản khí tượng theo những số liệu thay đổi về cao độ tự nhiên, tốc độ đô thị hóa, độ thấm, loại vật liệu mặt đường… Bên cạnh đó, 3Di còn được sử dụng để đánh giá các giải pháp nâng cấp cải thiện cho khu vực. “Nó có thể giải quyết những vấn đề như quy hoạch khu vực chứa nước trong tổng thể mặt bằng, phòng chống thiên tai và kiểm soát mực nước cho từng khu vực cụ thể. Chẳng hạn, nếu chạy mô hình 3Di trước thì cơ quan chức năng sẽ biết được để chống ngập có cần nâng đường Kinh Dương Vương thêm hay không hoặc phải quản lý theo cách nào, từ đó có thể tránh được tình trạng nâng lên, hạ xuống khiến người dân kêu trời như hiện nay. Do đó, mô hình này cần thiết cho những nhà xây dựng chính sách, quản lý hệ thống nước, quản lý khu vực lân cận, chuyên gia quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phòng chống thiên tai”, ông Vấn diễn giải.
Thực ra, mô hình 3Di và Lizard không mới ở Việt Nam, mà đã được áp dụng thử nghiệm mô phỏng lũ lưu vực sông Hồng (Chính phủ Hà Lan hỗ trợ thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) và đang chuẩn bị thực hiện cho mô phỏng quản lý nông nghiệp, thủy lợi ở ĐBSCL (cũng do Chính phủ Hà Lan tài trợ). Cho nên ông Vấn khẳng định khả năng mô phỏng ngập lụt nhanh của 3Di và Lizard có thể được sử dụng phục vụ cho công tác quản lý ngập nước tại TPHCM. Nhóm nghiên cứu đề xuất Sở Khoa học - Công nghệ và UBND TP cho phép thí điểm mô hình này bằng cách mô phỏng ngập nước tại một khu vực thuộc lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 12, diện tích toàn lưu vực khoảng 33km2 và tương đối khép kín. Tháng 3 vừa qua, nhóm tác giả mô hình tại Hà Lan đã sang Việt Nam để trực tiếp hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu tại TPHCM.
Mong sớm được thí điểm
|
GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội thủy lợi TPHCM, là một thành viên trong hội đồng phản biện đề tài của nhóm nghiên cứu, nhận xét, nhìn chung, đây là mô hình tiên tiến vì có thể cảnh báo sớm diễn biến ngập lụt trên địa bàn thành phố. “Sản phẩm của nó là những bản đồ số mà nhìn vào đó, những người có thẩm quyền quyết định biết được khu vực nào sẽ ngập, ngập mức độ nào…, để có các phương án đối phó phù hợp như mở cống điều tiết, trang bị máy hút hay thậm chí là di dời dân… Bản đồ này cũng được tích hợp về tình hình kinh tế - xã hội, nhìn vào đó có thể thấy những khu vực nào sẽ chịu tác động nặng nề vì ngập lụt và những khu vực này sẽ được ưu tiên triển khai giải pháp ứng phó trước để giảm bớt thiệt hại cho xã hội. Vả lại, chi phí thực hiện cũng không quá lớn nhưng hiệu quả cảnh báo và lợi ích đem lại rất nhiều”, ông Niên đánh giá cao mô hình. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố chưa ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào vấn đề dự báo, quản lý và ứng phó ngập lụt, vì thế ông Niên mong TPHCM sẽ xem xét, sớm quyết định cho phép thí điểm.
Theo ông Vấn, bộ công cụ mô phỏng ngập nước theo thời gian thực có thể giúp TPHCM hỗ trợ xây dựng quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước và kết cấu hạ tầng khác có tác động đến tiêu thoát nước, quản lý vận hành hệ thống công trình quản lý ngập nước thành phố như hệ thống công trình kiểm soát triều (theo quy hoạch 1547 sắp được triển khai), hệ thống tiêu thoát nước đã và đang được xây dựng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước thành phố ứng phó với các tình huống xảy ra trong thực tế (mưa lớn, triều cường, bão, vỡ đập…).
KHÁNH LÊ