Căn cứ Mỹ làm dậy sóng chính trường Nhật Bản

* Tỷ lệ ủng hộ nội các sụt giảm từng ngày
Căn cứ Mỹ làm dậy sóng chính trường Nhật Bản

* Tỷ lệ ủng hộ nội các sụt giảm từng ngày

Nỗi ưu tư của Thủ tướng Hatoyama.

Nỗi ưu tư của Thủ tướng Hatoyama.

Ngày 31-5, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama bác bỏ khả năng từ chức để nhận trách nhiệm vì tình trạng rối loạn trên chính trường hiện nay sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SDP) rút khỏi liên minh cầm quyền.

Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Hatoyama mô tả quyết định rút khỏi chính phủ liên minh của SDP là một điều “thật sự thất vọng” và khẳng định “sẽ phải vượt qua tình hình hiện nay với niềm tin vào các chính sách của mình”.

Việc SDP rút khỏi liên minh cầm quyền (để phản đối nghị quyết của nội các về việc di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở tỉnh Okinawa) một lần nữa làm chính trường Nhật Bản dậy sóng khi uy tín của Thủ tướng Hatoyama sụt giảm từng ngày.

Ba cuộc điều tra riêng lẻ của các tờ báo hàng đầu Nhật Bản công bố ngày 31-5 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Hatoyama đã xuống bằng và dưới 20%, trong khi tỷ lệ phản đối lại tăng lên đến hơn 80%. Trong đó, cuộc điều tra của báo Asahi công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Hatoyama đã giảm xuống chỉ còn 17% và là lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 20% kể từ khi nội các này nhậm chức vào tháng 9-2009. Kết quả thăm dò của tờ Mainichi cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các giảm từ 23% xuống 20%. Trong khi đó, theo kết quả thăm dò của tờ Yomiuri, tỷ lệ ủng hộ nội các giảm từ 24% xuống còn 19% và có tới 81% số người được hỏi phản đối quyết định của chính phủ về căn cứ Futenma. Có 6/10 người được hỏi cho rằng ông Hatoyama nên từ chức. Nguyên nhân chủ yếu là do ông Hatoyama không thể giải quyết dứt điểm vấn đề di chuyển căn cứ Futenma như từng cam kết khi tranh cử.

Báo Washington Post ngày 31-5 bình luận, mặc dù sự ra đi của SDP không làm chính phủ bị sụp đổ do đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đang chiếm đa số lớn trong Hạ viện quyền lực nhưng nó sẽ làm cho đảng cầm quyền mất đi một số phiếu nhất định cần thiết tại Thượng viện trong cuộc bầu cử vào tháng 7 tới. Khả năng DPJ phải nhường ghế cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) là rất cao.

Theo kết quả thăm dò dư luận khác của tờ Yomiuri, 19% cử tri có ý định bỏ phiếu ủng hộ cho LDP đối lập trong khi chỉ có 14% ủng hộ cho đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Hatoyama.

Trong lúc này, ngay trong nội bộ đảng DPJ cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu chia rẽ. Một số thành viên của đảng cũng đã “gợi ý” ông Hatoyama nên từ chức. Trước đó, ông Kozo Watanabe - một nhà chính sách kỳ cựu trong đảng Dân chủ cho biết, ông hy vọng Thủ tướng “sẽ đưa ra quyết định vì tương lai của nhân dân và đất nước Nhật Bản”. Đây thực chất là một lời kêu gọi ông Hatoyama từ chức.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quỹ thời gian từ nay đến cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng sau không đủ cho một nhà lãnh đạo mới đưa ra được chiến dịch tranh cử. Thậm chí, một số thành viên trong DPJ cũng lo ngại việc thay Thủ tướng quá sớm sau một thời gian ngắn lên cầm quyền sẽ nhắc các cử tri nhớ đến các chính phủ tiền nhiệm do LDP lãnh đạo. Trước đó, hai Thủ tướng thuộc đảng LDP đều phải ra đi khi mới cầm quyền được khoảng 1 năm.

Cùng vụ thất hứa về giải quyết dứt điểm căn cứ Futenma của DPJ, sự thất hứa của Thủ tướng Hatoyama trong việc thực hiện một loạt cam kết trong chiến dịch tranh cử khác như trợ cấp cho các bố mẹ đang nuôi con nhỏ hay việc bỏ thu phí đường bộ cũng góp phần “đốt nóng” chính trường Nhật Bản suốt 2 tuần qua.

H.CHI.

Tin cùng chuyên mục