Cần cuộc đại phẫu ngành nông nghiệp

Lâu nay, đầu ra cho nông sản luôn là nỗi trăn trở và bức xúc của nông dân. Nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”, được dư luận đề cập khá nhiều nhưng vẫn không xoay chuyển được tình hình.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp tổ chức sáng 24-6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tâm tư: Chúng ta mong muốn mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng để tăng thu nhập cho nông dân, nhưng với tình trạng như hiện nay thì không thể “chạy theo lượng” được nữa. Bộ trưởng nói: “Chỉ có chừng này (nông sản) mà bà con đã không bán được rồi thì nếu tăng thêm nữa, làm sao bán được”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: “Để giúp nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu từ sản phẩm của mình, chúng ta không thể nói với bà con là hãy sản xuất ít đi để có giá bán cao hơn”.

Một trong những nguyên nhân làm ứ đọng hàng hóa nông sản là kim ngạch xuất khẩu giảm. Đến đầu tháng 6-2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 13,53 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá và khối lượng. Đáng lưu ý là các sản phẩm nông sản chính có kim ngạch xuất khẩu giảm đến 10,5%, gồm: gạo, cà phê, cao su, chè, sắn (mì)… Trong đó, cà phê là mặt hàng có mức giảm nhiều nhất (với 24,2% về lượng và 22,2% về giá cả), tiếp đến là sắn (mì), cao su, gạo…

Bên cạnh đó, sức mua trong nước cũng giảm (như heo, gia cầm, đường)… Tiêu thụ chậm, giá thấp đang là trở ngại lớn nhất cho sản xuất, làm giảm thu nhập của nông dân.
 
Ngành nông nghiệp đang tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội như tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt, khối lượng nông sản gia tăng nhưng giá cả lại xuống quá thấp, bi kịch “được mùa lại rớt giá” liên tục lặp đi lặp lại chưa tháo gỡ được.

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đến năm 2008, tiếp tục có Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80 và Chỉ thị 25, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn ở mức rất thấp.

Tại ĐBSCL, vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu chính của cả nước, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ đã xây dựng đề án liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà, với mục tiêu lai tạo và chọn lọc những giống lúa, cây ăn quả, cá da trơn, tôm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có khả năng chống chịu dịch bệnh và thích ứng với điều kiện khí hậu của từng tiểu vùng sản xuất; xác định các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác và sau thu hoạch để giảm giá thành, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, trái cây, cá da trơn và tôm, trong đó, việc nối kết nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng; nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc huấn luyện và chuyển giao khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý nông nghiệp…

Tuy nhiên, sau 5 năm hình thành, hiện nay đề án vẫn đang còn “lòng vòng” chờ thẩm định ở các bộ, ngành trung ương!

Việc tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết đã dẫn tới mất lợi thế so sánh, đời sống nông dân khó khăn, kinh tế - xã hội nông thôn phức tạp. Để tạo đòn bẩy giúp nông dân nâng cao thu nhập, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thị trường ổn định cho nông sản cần phải thực hiện ngay việc tái cơ cấu nông nghiệp, thông qua việc lựa chọn và phát triển những lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn để nâng cao giá trị gia tăng…

Cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, có chính sách thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn một cách hiệu quả. Tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt sẽ gắn với việc điều chỉnh lại cơ chế phân phối lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp đang cần cuộc “đại phẫu”, điều chỉnh lại tổ chức sản xuất, ưu tiên nhân rộng những loại hình sản xuất thực sự hiệu quả.

Cuối cùng là đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Chỉ có đầu tư cho khoa học công nghệ mới có thể nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp tăng thu nhập người nông dân và hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp nước ta.

TRƯỜNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục