Cần đầu tư nhiều hơn cho môn tiếng Anh

Được xem là thế mạnh của học sinh TPHCM nhưng nhìn vào kết quả thi môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia mới đây, chúng ta không thể không lo lắng bởi có đến 60% bài làm có điểm dưới trung bình. Làm thế nào để cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh TP trước yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực?
Cần đầu tư nhiều hơn cho môn tiếng Anh

Được xem là thế mạnh của học sinh TPHCM nhưng nhìn vào kết quả thi môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia mới đây, chúng ta không thể không lo lắng bởi có đến 60% bài làm có điểm dưới trung bình. Làm thế nào để cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh TP trước yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực?

Thất vọng vì điểm thi thấp

Trong tổng số trên 61.000 thí sinh của TPHCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, chỉ có duy nhất 2 thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối với 9,88 điểm. Như thế toàn TPHCM không có điểm 10 môn Anh văn nào. Ở phổ điểm trên 8,0, chỉ có  1.531 bài thi, còn lại 60% có điểm dưới trung bình. Trừ nhóm thí sinh ở các trường THPT thuộc tốp trên và giữa có phổ điểm môn tiếng Anh khá cao, trong đó 6-8 điểm chiếm khoảng 35%-40%; còn lại phổ điểm thi dưới 5,0 điểm thậm chí 2-3 điểm ở nhiều trường khá phổ biến. Theo Trường THPT Gia Định, năm nay phổ điểm môn Anh văn của thí sinh đạt điểm 5 trở lên chiếm 75%, trong đó điểm 8 trở lên chiếm 15%, còn lại dưới 5 điểm. Nằm trong nhóm trường THPT tốp trên, phổ điểm môn Anh văn này được cho là tương đối cao.

Nhận định về kết quả này, cô Vũ Ngọc Loan, tổ trưởng tổ Anh văn Trường THPT Gia Định nêu thực tế: “Những học sinh chọn thi đại học khối D, A1 và tổ hợp có môn Anh văn thì có điểm thi cao từ 6-7 điểm trở lên vì có đầu tư, ôn luyện kỹ. Còn lại những học sinh khác chọn thi khối A, C… thì ít đầu tư nên điểm thi thấp. Thậm chí một số em còn xác định chỉ lấy 3-4 điểm là đủ, tránh bị điểm liệt…”.  Tương tự, lý giải thực trạng có đến 46% thí sinh của Trường THPT Nguyễn Khuyến đạt dưới điểm trung bình (5,0 điểm), giáo viên dạy Anh văn của trường nhận xét rằng đề thi quá dài nên nhiều thí sinh làm bài không kịp, nhiều em bỏ trống phần viết tự luận. Hơn nữa, đề thi ra quá nhiều từ vựng mới, đề tài mở rộng nên thí sinh cũng bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian cho phần đọc hiểu.

Theo nhiều giáo viên Anh văn, nguyên nhân dẫn đến phổ điểm môn tiếng Anh ở TPHCM thấp là do nhiều thí sinh học lệch, xem nhẹ môn Anh văn và chỉ tập trung ôn luyện môn thi theo khối đại học đã chọn. Mặt khác, đề thi năm nay mở rộng đề tài, ra nhiều từ vựng mới trong khi đó thí sinh vẫn ôn tập ngữ pháp nhiều hơn và khi gặp nhiều từ vựng mới thì “bí”, không hiểu nên không làm bài được. Ngay cả phần viết luận, dù câu hỏi không khó nhưng nhiều thí sinh ở TPHCM, nhất là các trường THPT ở quận ven, ngoại thành cũng “đầu hàng” vì năng lực có hạn hoặc chưa quen với thể loại này.

Đánh giá lại đề án dạy và học ngoại ngữ

Theo các chuyên gia giáo dục, giáo viên tiếng Anh, kết quả kỳ thi và phổ điểm môn tiếng Anh thấp phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn tiếng Anh ở bậc phổ thông trung học hiện nay. Thế nhưng, mấu chốt của vấn đề này nằm ở đâu khi học sinh TPHCM vốn được đánh giá cao về thế mạnh học ngoại ngữ nhưng lại nhận kết quả không như mong đợi?

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Ngoại ngữ            Ảnh: Mai Hải

Với mong muốn tạo ra sự đột phá trong dạy và học tiếng Anh, thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia hiệu quả hơn, từ năm 2012, TPHCM đã triển khai đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011 - 2020”. Mục tiêu đề án đặt ra là đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo để đến năm 2015, TPHCM sẽ đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn TP.

Đặc biệt, với quyết định số 448/QĐ-UBND, TPHCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho đề án này để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy ngoại ngữ, bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên... Đó là chưa kể sự đầu tư tốn kém không thể tính được của phụ huynh cho con em học thêm ngoại ngữ tiếng Anh ở các trung tâm. Thế nhưng, 4 năm qua nhìn lại mục tiêu mà đề án đặt ra là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh vẫn chưa đạt được. Dù TPHCM đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, mở rộng môi trường học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho học sinh các cấp, nhưng so với yêu cầu còn hạn hẹp. Với quy mô trường học và số lượng học sinh đông, TPHCM phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí lẫn điều kiện để đầu tư dạy tiếng Anh bài bản, theo chuẩn quốc tế. Chính vì thế, chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh ở bậc THPT chưa đồng bộ và ở nhiều trường ngoại thành, vùng ven, tỷ lệ học sinh được tiếp cận với môi trường dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn còn thấp. Và với thực trạng đầu vào tuyển sinh lớp 10 ở một số trường THPT ngoại thành gần đây quá thấp (13-15 điểm) cho thấy khó có thể đạt được mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra cho học sinh phổ thông.

Từ thực tế phổ điểm môn tiếng Anh của thí sinh TPHCM không cao, không vượt trội so với cả nước, ngành GD-ĐT TPHCM cần đánh giá lại thực trạng dạy và học tiếng Anh cũng như hiệu quả của đề án về phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Từ đó có giải pháp đầu tư cho việc dạy và học môn tiếng Anh bài bản, hiệu quả hơn, tạo ra nguồn nhân lực trẻ có khả năng sử dụng, giao tiếp tiếng Anh lưu loát, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, khu vực.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục