Cần đổi mới phương thức đầu tư vào khoa học công nghệ

Ngày 12-1, tại TPHCM, Bộ KH-CN và Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo Đầu tư cho KH-CN: hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN), đồng thời trao “Dấu hiệu chứng nhận thương hiệu Việt uy tín 2013” cho 70 DN tiêu biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, hoạt động KH-CN của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Hiện nước ta đang dành khoảng 0,5% ngân sách quốc gia cho KH-CN, tương đương với mức trung bình các nước trên thế giới, tuy nhiên do GDP nước ta còn thấp nên giá trị dành cho KH-CN của Việt Nam còn nhỏ, năm 2012 chỉ đạt 700 triệu USD trong khi chỉ riêng Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc trong năm qua đã chi hơn 1 tỷ USD đầu tư cho công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nếu không đổi mới bằng cách huy động nguồn vốn từ xã hội sẽ không bao giờ có đủ nguồn đầu tư cho KH-CN. Việc huy động đầu tư từ xã hội cho KH-CN gấp 3 - 4 lần từ ngân sách là phương thức phải làm và đã có nhiều quốc gia láng giềng thành công từ cách làm này. Năm 2011 Trung Quốc đã dành số tiền chiếm khoảng 2,1% GDP cho KH-CN, nhưng trong đó ngân sách chỉ có 1/3, số còn lại là từ các tập đoàn, tổ chức, cá nhân...

Các quốc gia khác cũng có số tiền tương đương 5% - 6% GDP cho KH-CN từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau.

Tuy nhiên, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, cho biết ở nước ta hiện nay có trên 95% DN thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, hầu hết các DN đều có nguồn lực hạn chế, nhất là vốn nên phần lớn DN chỉ tập trung vào việc đổi mới công nghệ hơn là triển khai nghiên cứu. Đặc biệt, có khoảng 30% DN chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động KH-CN trong DN; các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quan tâm tới nghiên cứu... trong khi cơ chế tài chính đối với nghiên cứu KH-CN còn nhiều bất cập.

Để khắc phục các tồn tại, TS Trần Việt Hùng đã đưa ra một số giải pháp, trong đó Nhà nước nên dành kinh phí hỗ trợ các nhà khoa học công nghệ đi khảo sát thực tế tại các DN để xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khả thi sát với thực tế sản xuất kinh doanh; để khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí cho các đề tài/dự án khoa học công nghệ của DN; nên đưa toàn bộ ngân sách dành cho thực hiện các nhiệm vụ KH-CN vào Quỹ phát triển KH-CN...

Tại hội thảo, các nhà khoa học cùng 200 DN tham dự cũng chia sẻ những đánh giá về hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong DN Việt Nam, từ đó nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong DN và kiến nghị một số các chính sách, chương trình nhằm đổi mới phương thức đầu tư cũng như thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong các DN.

T.Hân - T.T.X.

Tin cùng chuyên mục