Nhân Ngày Dân số thế giới 11-7, tôi xin nêu ý kiến về tình trạng di dân đang gia tăng nhanh, quy mô ngày một lớn ở nước ta. Đây cũng là vấn đề lớn mà nước ta đang phải đối mặt.
Có thể thấy việc di cư đã giúp phần lớn những người di cư tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt hơn. Các khoản tiền mà họ chuyển về cho gia đình, người thân là một trong lợi ích trực tiếp và quan trọng nhất. Song, việc người dân từ nông thôn di cư đến đô thị đã tạo ra những áp lực về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội như nhà ở, khám chữa bệnh, hệ thống điện, nước và vệ sinh ở các TP lớn.
Bên cạnh đó, người nhập cư cũng rất dễ bị tổn thương, nhất là đối với người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thông thường, người nhập cư sinh sống trong điều kiện thiếu vệ sinh và không an toàn. Họ cũng không đủ tiêu chuẩn để được hưởng các chương trình hỗ trợ giảm nghèo dành cho người dân sở tại. Còn chủ sử dụng lao động lại thường không tuân thủ những điều luật bảo vệ quyền và nhu cầu của người nhập cư.
Những thách thức không chỉ nhận thấy ở nơi đến mà còn thể hiện ở nơi đi. Mặc dù những gia đình có người trong hộ di cư có được điều kiện sống tốt hơn bằng tiền gửi về, song về tinh thần lại mất nhiều hơn. Gia đình thiếu vắng cha hoặc mẹ, hoặc cả hai người là trụ cột, con cái họ để ở quê cho ông bà chăm sóc..., dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc và phân công lao động trong gia đình. Cái mất của nhiều gia đình người di cư là hôn nhân mong manh, con cái hư hỏng.
Đảm bảo tiếp cận công bằng các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác cho người nhập cư cũng là một thách thức. Hệ thống đăng ký hộ khẩu hiện nay là rào cản đối với người nhập cư trong việc tiếp cận các dịch vụ và thông tin mà người dân sở tại được hưởng. Do yêu cầu của một số ngành công nghiệp chỉ ưu tiên lao động nữ hoặc lao động nam, đã dẫn đến hiện tượng tập trung lao động cùng giới khá phổ biến. Việc đó có thể tạo ra sự mất cân bằng giới và liên quan đến các vấn đề tình cảm, hôn nhân, sức khỏe tâm lý...
Những hậu quả không mong muốn của việc di dân đã tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với chính quyền các TP lớn, các đô thị. Nếu không xem xét một cách thấu đáo sẽ có thể cho rằng hậu quả đó hoàn toàn là do tác động tiêu cực của tình trạng nhập cư. Điều đó sẽ dẫn đến việc đưa ra những biện pháp hành chính ngăn cản dòng người nhập cư vào đô thị. Chính quyền đô thị cần tìm kiếm cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề đó, chứ không phải tìm các biện pháp ngăn chặn luồng di cư vào đô thị.
Để kiểm soát, điều tiết di dân trên cơ sở tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân một cách có hiệu quả, chính quyền địa phương dùng các công cụ kinh tế, xã hội là chính. Chẳng hạn, để người lao động trẻ gốc nông thôn vui vẻ, tự nguyện ở lại quê nhà lập thân, lập nghiệp, thì phải đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đẩy mạnh khuyến nông, phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm xã hội cho nông dân... Để giảm nhẹ vấn nạn nhà ổ chuột ở đô thị, phải thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội, xây dựng nhiều công trình tiện ích công cộng.
Tóm lại, những được, mất của di dân ngày càng hết sức phức tạp, vì vậy đã đến lúc cần phải có nhận thức đúng vấn đề di dân, đây không phải là vấn đề kinh tế - xã hội đơn thuần mà phải coi di dân là vấn đề khoa học, phải có đối sách đúng tầm.
LÊ QUANG HUY