Mấy năm qua tại ĐBSCL hàng loạt mô hình điểm HTX áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, VietGAP ra đời. Đây là giấy thông hành để nông sản Việt thâm nhập các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… Thế nhưng, tín hiệu vui chưa tồn tại được bao lâu thì mọi thứ bắt đầu đổ vỡ.
Phải thừa nhận là các mô hình này phát triển rầm rộ và đạt hiệu quả khá tốt khi còn được các tổ chức hoặc doanh nghiệp tài trợ. Không loại trừ có trường hợp những doanh nghiệp chỉ đầu tư ban đầu để làm thương hiệu, khuếch trương tên tuổi rồi sau đó thu mua sản phẩm bên ngoài về dán nhãn xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng, siêu thị của mình… Vì vậy sau đó, các mô hình này lụi dần, phải tự bơi theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Trong điều kiện vốn, quy mô sản xuất khiêm tốn, nhiều HTX không mở rộng được diện tích, không đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, đã dẫn đến tình trạng sống dở chết dở hàng loạt.
Mối lo nhất hiện nay ở nhiều HTX “kiểu mẫu” là bằng GlobalGAP đã quá hạn từ 1,5 - 5 năm. “Bầu sữa tài trợ” đã hết, các đơn vị này không đào đâu ra hàng ngàn USD (3.000 - 8.000 USD/HTX) để tái công nhận tiêu chuẩn quốc tế vốn chỉ có hiệu lực trong 1 năm. Vì vậy, nguy cơ mất thương hiệu đang treo lơ lửng.
Suốt thời gian dài sản xuất theo GlobalGAP, hay VietGAP, nông dân phải đáp ứng mấy trăm tiêu chí nghiêm ngặt, tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí nhưng sản phẩm không được bao tiêu. Nông dân vẫn phải bán cho thương lái với giá sản phẩm ngang bằng lối canh tác bình thường. Nông dân tại các HTX sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng gặp không ít khó khăn vì phải tự tìm đầu ra. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ tham gia các khâu cung cấp giống, thuốc trừ sâu, hướng dẫn quy trình… còn khâu tiêu thụ thì bỏ lửng. Đây là nghịch lý của chủ trương hình thành và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, là giải pháp tất yếu đề ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tiến đến xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Nếu đầu ra sản phẩm của các HTX mô hình điểm không được giải quyết tốt, nông dân sẽ quay lại trồng các giống lúa phẩm cấp thấp, phá vỡ cơ cấu giống cũng như công sức của ngành nông nghiệp gầy dựng suốt thời gian qua.
Điều dễ nhận thấy phần đông các HTX gặp khó khăn, bế tắc là do thiếu nguồn nhân lực để quản lý, điều hành HTX; thiếu định hướng lâu dài trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh; thiếu cơ sở vật chất, nhất là thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Hiện nay ĐBSCL đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mô hình HTX vừa qua được kỳ vọng nhiều nhưng vẫn chưa cải thiện được thu nhập, làm cho nông dân phân vân, ngán ngại. Các chuyên gia nhận định, về lâu dài, để phát triển bền vững, mô hình HTX cần được nhân rộng, hình thành các vùng chuyên canh quy mô, chất lượng cao. Để các mô hình kiểu mẫu không rơi vào bế tắc, nhiều chủ nhiệm HTX và cả nông dân kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp trong đầu tư chi phí tái công nhận thương hiệu, bao tiêu sản phẩm và mở rộng vùng nguyên liệu… Vấn đề là làm sao để các xã viên thấy rằng kinh tế hợp tác với mô hình HTX là thiết thực. Các xã viên sẽ được cung cấp vật tư, nguyên vật liệu đầu vào với giá thấp, được hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập nông dân… Đó là vấn đề cốt lõi đặt ra trong thời gian tới.
Muốn làm được điều này, ngoài sự “tiếp sức” từ các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các chính sách khác của Nhà nước cũng cần ưu tiên hỗ trợ cho các HTX, như về vốn, thuế, đào tạo nguồn nhân lực… Sự rã đám của các HTX vừa qua là “bài học xương máu” trong quá trình tiến lên sản xuất lớn của ĐBSCL.
HUY PHONG