Cần gì ở SEA Games?

Câu chuyện nước chủ nhà SEA Games 27 mới đây “đòi” Việt Nam “nhường” 7 HCV môn đá cầu được chính lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam lý giải: đấy là “thông lệ” chung của làng thể thao Đông Nam Á trên tinh thần giúp nhau cùng phát triển.

Thật ra, việc thay đổi môn thi đấu, số lượng nội dung trong từng môn luôn là đề tài tranh cãi mỗi khi các quốc gia Đông Nam Á họp bàn về SEA Games. Những cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á vẫn thường được miêu tả như một lễ phân chia huy chương công khai, rồi cũng được mặc nhiên chấp nhận như chuyện thường ngày.

Vì lẽ đó, quan điểm của nhiều nước có nền thể thao phát triển mạnh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đều xem SEA Games là “ngày hội” hơn là “cuộc tranh tài”. Trên tinh thần đó, họ sẽ điều chỉnh mục tiêu. Ví dụ như Thái Lan sẽ gởi 50% VĐV trẻ tham dự, còn Malaysia thì tính toán chi li hơn, môn nào chắc chắn đoạt HCV thì mới cử VĐV đẳng cấp cao nhất, môn nào không được thì cử đội dự bị đi dự. Không tham gia thì sẽ làm ảnh hưởng đến phong trào, nhưng tham gia mà không được thi đấu các môn sở trường thì sẽ lãng phí tiền của.

Riêng với trường hợp Singapore thì thực dụng hơn nhiều, chỉ cử VĐV dự các môn mà họ quen thi đấu. Thế nên, số lượng VĐV của đoàn Singapore trồi sụt đáng kể qua từng đại hội và họ cũng không quan tâm nhiều đến bảng tổng sắp huy chương.
 
Tinh thần của SEA Games đề cao sự đoàn kết, thống nhất và trao đổi văn hóa - thể thao giữa các quốc gia Đông Nam Á, thế nên, việc phần “hội” lấn lướt phần “thi” cũng là điều có thể hiểu được, vấn đề là mỗi quốc gia cần điều chỉnh mục tiêu của mình. Thế nhưng, riêng thể thao Việt Nam dường như vẫn đi theo cách làm cũ. Công bố mới nhất, sẽ có đến 650 VĐV sang Myanmar vào tháng 12 này dù số môn thi đấu ít đi. Số lượng đông đảo này là để nhắm đến mục tiêu 70 HCV và hạng 3 toàn đoàn.

Từ đầu năm đến nay, vì mục tiêu đó mà cả ngàn VĐV của 60 môn khác nhau được gọi tập trung thường xuyên tại các trung tâm huấn luyện nhằm chuẩn bị để “tấn công” vào các môn, các nội dung không phải là thế mạnh để bảo đảm việc không bị mất nhiều HCV, do nước chủ nhà bỏ nhiều môn “mỏ vàng” của chúng ta như TDDC, đấu kiếm… Rõ ràng, cái đích của chúng ta nhắm đến vẫn là số lượng thay vì chất lượng thi đấu, mặc dù mục tiêu lớn hơn của thể thao Việt Nam hiện tại là chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho Asiad 2015 để tạo đà cho kỳ Asiad 2019 mà chúng ta là chủ nhà. Chỉ có 5 năm để xuất hiện một thế hệ tài năng thì thể thao Việt Nam phải được chuẩn bị từ bây giờ, thông qua việc cử VĐV trẻ cọ xát thi đấu tại SEA Games 27, 28, 29.

Lẽ ra, ngay từ SEA Games 27, cần có một chiến lược tập trung cho vài môn mũi nhọn, có trong chương trình thi đấu Asiad để bảo đảm mục tiêu duy trì thành tích và tích lũy kinh nghiệm cho các VĐV trẻ, ở những nội dung chưa phải là thế mạnh thay vì lại dàn trải môn nào có dự để tìm HCV.

Hơn thế, sau các thất bại tại Asiad 2010 và Olympic 2012, đã đến lúc phải định hướng lại mục tiêu dự SEA Games cho đúng tính chất đang trở thành xu hướng tại đại hội thể thao khu vực, đồng thời tạo đà cho nền thể thao chuyên nghiệp, đi sâu vào các môn thể thao cơ bản trong tương lai.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục