Do khó khăn nên dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Trên cơ sở rà soát, cân đối nguồn qua kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2015 và khả năng thu ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016). Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ý kiến bức xúc với việc ngân sách khó khăn không có nguồn tăng lương nhưng chi tiêu công vẫn lãng phí, bộ máy cồng kềnh… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, với mức lương cơ sở hiện nay, công chức, viên chức đã đủ bảo đảm cuộc sống hay chưa, kể cả người làm việc lâu năm cũng như sinh viên mới ra trường?
* Ông BÙI SỸ LỢI: Mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức hiện nay dĩ nhiên là chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, mới chỉ bằng 44,2% mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 (lương tối thiểu vùng năm 2015 là 2,6 triệu đồng); nếu năm 2016 lương tối thiểu vùng tăng lên thêm 12,4% thì lương cơ sở chỉ bằng 39,3% lương tối thiểu vùng. Vì vậy, năm 2015, Chính phủ đã phải có giải pháp nâng cho mức lương có hệ số dưới 2,34 thêm 8% để cải thiện đời sống cho người được hưởng lương. Rõ ràng, còn phải tiếp tục điều chỉnh mức tiền lương cơ sở để đáp ứng đời sống của công chức, viên chức.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một câu chuyện là tiền lương của chúng ta không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Mỗi ngành, lĩnh vực lại có những loại phụ cấp thâm niên, ngành nghề khác nhau, vì vậy không còn thực chất của tiền lương nữa. Về mặt nguyên tắc, phần lương chính phải lớn hơn các phần phụ cấp khác, nhưng hiện nay có những ngành mà phụ cấp lại còn cao hơn hoặc bằng tiền lương cấp bậc, chức vụ. Như vậy là không cân đối. Bởi vậy, cải cách căn cơ nhất để tăng lương là phải nâng lương toàn diện, không chỉ là nâng mức lương cơ sở mà còn phải cải cách thang bảng lương để làm sao đúng với từng vị trí việc làm, chức vụ.
* Cụ thể, giải pháp căn cơ như ông nói là như thế nào?
* Xét một cách căn cơ, chúng ta phải tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, giảm biên chế, cải cách lại tổ chức bộ máy để làm sao giảm được những người lao động (NLĐ) mà họ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Có lẽ, Chính phủ phải tăng cường các quyết sách của mình về bố trí, sắp xếp lại lao động cán bộ, công chức của khu vực nhà nước theo tinh thần xác định vị trí việc làm để thực hiện tinh giản biên chế một cách tốt nhất. Chúng ta phải cải cách tiền lương một cách toàn diện, tổng thể, không phải chỉ là việc nâng lương cơ sở như đại biểu Quốc hội đang đòi hỏi mà phải cải cách lại cả hệ thống thang bảng lương, các phụ cấp có tính chất tiền lương để bảo đảm tiền lương thực chất phản ánh nguyên tắc phân phối theo lao động. Tiền lương phải bảo đảm là đòn bẩy để tăng năng suất lao động. Đó chính là giải pháp căn cơ nhất để tăng lương.
* Những giải pháp tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tránh lãng phí, cắt giảm xe công, hội họp… để có nguồn tăng lương đã nói rất nhiều. Nhưng trên thực tế, tất cả các giải pháp này chúng ta đều đã đưa ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không hiệu quả?
* Thực ra, quá trình cải cách hành chính không thể ngày một, ngày hai mà thực hiện hiệu quả ngay được. Mặt khác, giảm biên chế là giảm ai, chúng ta cũng phải tính toán. Để giảm được biên chế, phải căn cứ vào định mức lao động, căn cứ vào xác định vị trí việc làm. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa hoàn thiện được tất cả các bước đó, vì vậy phải thực hiện đồng bộ.
Theo tôi, phải xác định vị trí việc làm một cách khoa học để xác định bộ máy của chúng ta. Đồng thời, phải xuất phát từ 2 phía, tức là kể cả NLĐ, công chức, viên chức cũng cần thấy rằng phải mạnh dạn cắt bỏ những vị trí không cần thiết. Chỉ có như vậy chúng ta mới xử lý được vấn đề tiền lương. Nếu lực lượng công chức, viên chức quá đông, bộ máy quá lớn thì không thể có nguồn tăng lương được dù có tiết kiệm đến mấy. Lâu nay chúng ta cũng đã tiết kiệm chi hành chính là 10% rồi, cũng không thể tiết kiệm quá mức lên được. Vì vậy, ở đây phải là các giải pháp đồng bộ, kể cả công chức, viên chức cũng phải thấy được vị trí, vai trò của mình trong bộ máy nhà nước. Nếu hiệu suất lao động của mình không cao thì cũng cần phải thông cảm với các biện pháp của nhà nước để thực hiện tinh giản biên chế theo cách thức là nhà nước hỗ trợ để anh có điều kiện làm việc khác đáp ứng với khả năng của anh tốt hơn. Không nên cứ dựa dẫm quá nhiều vào khu vực công.
* Về vấn đề lương cho NLĐ ở khu vực doanh nghiệp, ngày 3-9 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức đề nghị Chính phủ phê duyệt là 12,4%. Nhưng ngày 5-10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan đại diện cho NLĐ vẫn đưa ra kiến nghị khác lên Chính phủ. Cụ thể là đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 thấp nhất là 14,4%, tương đương mức tăng năm 2015. Ông nghĩ gì về việc này?
* Tôi nghĩ việc Hội đồng tiền lương quốc gia tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ để xác định mức tiền lương tối thiểu cho NLĐ là xuất phát từ cả hai phía. Chủ sử dụng lao động họ cũng có phương án; công đoàn đại diện cho NLĐ cũng đưa ra phương án, Bộ LĐTB-XH thay mặt cho Chính phủ để làm trung gian giữa hai bên. Vấn đề này chúng ta đã bàn luận rất nhiều rồi. NLĐ thì muốn được nâng lên một chút nữa để bảo đảm đời sống, còn chủ doanh nghiệp lại muốn giảm xuống một chút để đỡ chi phí sản xuất. Vì thế phải cân bằng lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, làm sao để đáp ứng cả yêu cầu của NLĐ nhưng cũng phải bảo đảm cho doanh nghiệp tồn tại phát triển.
Tôi cũng đã nói nhiều lần về việc này rồi, mức tăng khoảng 12,4% năm nay như vậy là hợp lý để tạo ra động lực phát triển. Năm 2017, 2018, chúng ta còn 2 bước nữa thì sẽ đạt mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2018 như mục tiêu đề ra. Vì vậy, đề xuất của công đoàn cũng là xác đáng, nhưng tôi cho rằng mức tăng như năm nay là phù hợp với tình hình hiện nay. Đây cũng là cuộc thương lượng mà các bên cũng đã thảo luận rất kỹ và Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt. Mức tăng này theo tôi cũng là hợp lý, tạo ra động lực để cả doanh nghiệp phát triển và để NLĐ cũng cải thiện cuộc sống từng bước. Lộ trình của chúng ta là đến năm 2018 mới tính đúng, tính đủ toàn bộ tiền lương để làm căn cứ xác định các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì vậy, thời gian vẫn còn để chúng ta thực hiện.
* Năm 2018 sẽ tính đúng, tính đủ toàn bộ tiền lương cho NLĐ, liệu có tạo đột phá về năng suất lao động không, thưa ông?
* Nếu năm 2016 nâng 12,4% thì 2016 chúng ta đã đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ ở 4 vùng, trong 2 năm nữa sẽ tiếp tục cải cách quản trị doanh nghiệp để năm 2018 nâng mức này lên nữa. Vẫn còn 2 năm để chúng ta bảo đảm mục tiêu toàn bộ thu nhập có tính chất tiền lương phải làm căn cứ để tính nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mục tiêu là nâng mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thì khi về hưu, NLĐ mới bảo đảm được lương hưu đủ sống. Nhưng chúng ta đừng hiểu tiền lương tối thiểu này là tác nhân duy nhất để tăng năng suất lao động, hoàn toàn không phải như vậy. Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất, chủ sử dụng lao động trả cho NLĐ và làm căn cứ để ký kết thỏa ước lao động tập thể. Có những doanh nghiệp họ hoàn toàn không căn cứ vào lương tối thiểu, họ trả cao hơn nhiều.
* Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO (thực hiện)