Cần giải pháp tổng thể

Hệ lụy từ các đập thủy điện đầu nguồn

Phản hồi loạt bài “Sạt lở đê biển và những hệ lụy”

 Sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Sạt lở đê biển và những hệ lụy”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, chính quyền địa phương… quan tâm về sạt lở đê biển ở ĐBSCL ngày càng lan rộng, tác động đến đời sống của nhiều hộ dân ven biển. Tìm giải pháp ứng phó với sạt lở, ổn định sản xuất và đời sống người dân vùng sạt lở là vấn đề cấp bách đặt ra. Phóng viên Báo SGGP ghi lại những ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này…

Kè sạt lở kết hợp với trồng rừng, tạo bãi ở Cà Mau

Hệ lụy từ các đập thủy điện đầu nguồn

Vùng ĐBSCL với khoảng 700km bờ biển thì đến nay có hơn 50% chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều mức độ khác nhau. Theo đó, từ Tiền Giang đến Sóc Trăng là bờ biển cát, còn từ Bạc Liêu cho đến Hà Tiên (Kiên Giang) là biển bùn. Qua khảo sát của các nhà chuyên môn cho thấy giai đoạn từ năm 2003 - 2012, các vùng biển bùn thuộc Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nhiều nơi sạt lở đến 50m/năm, nhiều nhất là phía biển Đông; trong khi phía biển Tây dù ít sóng nhưng cũng sạt lở mạnh… Tính bình quân nạn sạt lở làm mất đi khoảng 5km vuông đất bờ biển/năm.

Trước đây lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê kông đổ về vùng ĐBSCL mỗi năm khoảng 160 triệu tấn, nhưng từ khi phía Trung Quốc xây dựng 7 đập thủy điện thì lượng phù sa giảm còn 75 triệu tấn/năm; tới đây nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia hoạt động ngăn dòng chính sông Mê Công thì lượng phù sa tiếp tục giảm xuống mức còn khoảng 42 triệu tấn/năm. Đối với lượng cát di chuyển từ thượng nguồn về ĐBSCL nguy cơ biến mất 100%. Thiếu phù sa, mất cát do bị các đập thủy điện ở đầu nguồn chặn lại sẽ dẫn đến thực trạng sạt lở bờ biển, đê biển ngày càng dữ dội hơn. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát tràn lan thời gian qua ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu; đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3m. Tất cả “góp phần” cho nạn sạt lở hiện nay. Cần thấy rằng, vai trò của cát là rất quan trọng, bởi cát không chỉ dùng để san lấp thông thường mà nó còn có nhiều vai trò khác, trong đó giúp ổn định bờ sông, bờ biển là không thể thiếu. Chưa kể, khi cát bị mất nhiều thì sạt lở gia tăng và phạm vi đất đai sẽ bị thu hẹp lại.

Vùng ĐBSCL mới được hình thành khoảng 6.000 năm, khá trẻ và bồi đắp nhờ phù sa thô. Lớp phù sa bên trong cửa sông đổ ra biển giống như “lớp áo khoác” che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh. Do đó, khi lượng phù sa thiếu hụt, lớp áo này bị hỏng và sẽ bị nước biển tấn công mạnh, gây ra sạt lở nhiều hơn. Về lý thuyết nếu lượng phù sa nhiều thì sẽ thắng năng lượng biển, không ảnh hưởng đê biển; trong khi hiện nay lượng phù sa và cát về rất ít nên sóng liên tục đánh vào bờ, không “thắng” được năng lượng biển nên sạt lở là chuyện hiển nhiên.

Từ những yếu tố trên cho thấy nguy cơ sạt lở bờ biển, đê biển ở ĐBSCL sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, các ngành chức năng cần xem lại tình trạng khai thác cát tràn lan hiện nay; cân nhắc vấn đề xuất khẩu cát  gây hệ lụy lâu dài. Ngoài ra, có những tác động tích cực hơn nữa về dòng chảy sông Mê kông, những hệ lụy từ các đập thủy điện ở con sông này. Phải hành động quyết liệt nhằm giảm bớt nạn sạt lở đê biển có thể lan rộng trong thời gian tới…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL

Quy hoạch lại sản xuất và dân cư vùng ven biển

Vấn đề sạt lở đê biển, bờ biển đã được các nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm trước và thực tế cho thấy tình hình càng lúc càng nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở đê biển, bờ biển ở khu vực ĐBSCL, nhưng vấn đề sụt lún do thiếu cát, thiếu phù sa bồi cho ĐBSCL là quan trọng nhất và nguy hiểm nhất vì nó mất đi là mất vĩnh viễn, không có cơ may phục hồi. Tôi ví dụ, nếu như vùng nào bị ảnh hưởng nước mặn mà không thể trồng lúa, trồng hoa màu, thì cũng có thể nuôi được con tôm; còn vùng nào có nước ngọt thì dễ dàng trồng lúa hay cây ăn trái… Tuy nhiên, nếu không có phù sa thì khó khăn vô cùng, bởi nó không thể bồi lắng, tạo “chân” cho bờ biển và ngay lập tức bị sóng tấn công gây ra sạt lở trên diện rộng. Trong khi sạt lở phức tạp thì người dân ở ĐBSCL rất ít kinh nghiệm để ứng phó với xói lở, sụt lún… Đây cũng là vấn đề đáng quan ngại.

Trước tình trạng sạt lở đê biển phức tạp nên các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó có kè kiên cố ở các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh… chống sạt lở. Có thể nói, kè kiên cố rất tốn kém kinh phí, nhưng sẽ khó có thể chống sạt lở vĩnh viễn được. Những ngày qua, sóng biển đánh làm hư hỏng kè ở Gành Hào và khu vực Nhà Mát (Bạc Liêu) là một minh chứng. Nên hiểu rằng, khi bờ biển thiếu cát, thiếu phù sa và mất luôn cả rừng phòng hộ thì dù có kè kiên cố đến đâu, khi sóng đánh lâu ngày (khoảng hơn 10 năm trở đi) thì chân kè cũng bị xói lở và nguy cơ đổ vỡ thân kè là có thể xảy ra. Điều đó, cho thấy khi các ngành chức năng muốn triển khai thực hiện kè kiên cố chống sạt lở đê biển thì nên cân nhắc tính hiệu quả về kinh tế. Ví dụ, kè kiên cố nhằm bảo vệ dân cư, chợ búa, nhà xưởng… có tương xứng với số tiền khá lớn bỏ ra hay không. Nếu không, thì chẳng nên kè kiên cố mà nghiên cứu di dời dân cư đi nơi khác. Chưa kể, những nơi đã kè kiên cố như Bạc Liêu, Trà Vinh… vẫn bị triều cường, sóng đánh vượt qua đỉnh kè gây ảnh hưởng đời sống người dân. Tại thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) sóng đánh bay qua đỉnh kè, đưa nước mặn vào các ruộng dưa hấu, hoa màu… gây thiệt hại cho nông dân.

Cần thấy rằng, trong điều kiện sạt lở đê biển, bờ biển chưa có điểm dừng, vì vậy chính quyền địa phương nên quy hoạch lại vùng sản xuất, vùng bố trí dân cư… theo hướng ra xa nơi sạt lở. Về lâu dài cần tính toán nhiều giải pháp đồng bộ như kè, trồng rừng, tạo bãi, hạn chế khai thác cát, tái tạo chân bờ biển… để ứng phó với nạn sạt lở.

TS Dương Văn Ni
Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ
 

HUỲNH LỢI ghi

Tin cùng chuyên mục