Cần giảm chồng chéo trong hoạt động kiểm tra môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thay thế cho Nghị định số 61/1998/NĐ-CP; rà soát, sửa đổi Nghị định số 07/2012/NĐ-CP theo hướng bổ sung các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực; đồng thời, cũng cần có thông tư quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn kiểm tra để tạo hành lang pháp lý, hiệu quả và thống nhất cho hoạt động kiểm tra.

Việc đề nghị sửa đổi trên xuất phát từ thực tế hiện có quá nhiều lực lượng thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng cũng như chất lượng. Do có nhiều lực lượng thanh tra, kiểm tra về môi trường nên xảy ra tình trạng chồng chéo trong công tác, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặt khác, những quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành môi trường không còn phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, hoạt động thanh tra chuyên ngành còn bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính như quyết định thanh tra, kiểm tra phải thông báo trước, chỉ làm việc trong giờ hành chính…, làm hạn chế việc phát hiện và xử lý các vi phạm; nhiều đối tượng có hành vi vi phạm môi trường cố tình chây ì, trốn tránh hoặc không hợp tác lực lượng thanh tra, kiểm tra nhưng không có giải pháp xử lý triệt để; các vi phạm về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp…

Được biết, trong 5 năm 2011 - 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra 3.440 cơ sở và khu chế xuất, cụm công nghiệp; xử phạt 2.170 tổ chức vi phạm với số tiền phạt lên tới 277 tỷ đồng; đồng thời, buộc các đơn vị phải khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục