Cần Giờ biển gọi

Cách trung tâm TPHCM khoảng 60km về phía Đông Nam, có nhiều thuận lợi về giao thông thủy với hệ thống sông ngòi lớn, luồng lạch sâu và ngay cửa ngõ giao thương với biển Đông Cần Giờ có vị trí chiến lược trong xây dựng và phát triển thành phố. Nơi đây cũng có nhiều lễ hội văn hóa như lễ hội Nghinh Ông đặc sắc của ngư dân và cũng có nhiều bãi tắm đẹp có thể phát triển du lịch.
Cần Giờ biển gọi

Cách trung tâm TPHCM khoảng 60km về phía Đông Nam, có nhiều thuận lợi về giao thông thủy với hệ thống sông ngòi lớn, luồng lạch sâu và ngay cửa ngõ giao thương với biển Đông Cần Giờ có vị trí chiến lược trong xây dựng và phát triển thành phố. Nơi đây cũng có nhiều lễ hội văn hóa như lễ hội Nghinh Ông đặc sắc của ngư dân và cũng có nhiều bãi tắm đẹp có thể phát triển du lịch.

Rộn ràng lễ hội Nghinh Ông

Sau vài lần lỡ hẹn, rốt cuộc chúng tôi cũng về được Cần Giờ để hòa mình trong không khí lễ hội Nghinh Ông (hay Cầu Ngư - cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe) thờ cúng Cá Ông (hay cá Voi), được dân đi biển tôn lên thành Thần Nam Hải.

Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi thả bộ trên con đường Duyên Hải - con đường chính dài và lớn nhất của huyện. Càng gần về phía chợ Cần Thạnh, không khí hội hè càng náo nhiệt. Hội chợ thương mại hàng Việt Nam đã bắt đầu mở cửa, các sạp hàng lưu niệm, giày dép, quần áo, ăn uống bày bán san sát hai bên đường. Tiếng trẻ con í ới nói cười ở khu vui chơi giải trí trong công viên, tiếng nhạc du dương phát ra từ các quán cà phê, tiếng động cơ của xe máy… tất cả đan quyện vào nhau trong không khí hồ hởi của ngày hội lớn nhất trong năm.

Lễ hội Nghinh Ông chính thức diễn ra vào sáng hôm sau trước chợ Cần Thạnh với sự có mặt của lãnh đạo Huyện ủy - UBND huyện, các vị trưởng lão trong Ban quản lý lăng Ông Thủy Tướng. Sau nghi thức đánh trống khai hội là đến phần viếng lăng cách đó khoảng hơn 50m. Tại đây, trưng bày bộ xương cá Ông dài 12m, được đặt trong lồng kính trong suốt. (đây là cá Ông chết năm 1971 trôi dạt vào sông Đồng Nai, được ngư dân mang ghe lớn qua chở về thờ).

Ngư dân Cần Thạnh chuẩn bị lễ hội Nghinh Ông.

Cũng giống như ở các vùng biển khác của nước ta, tục thờ cá Ông của ngư dân Cần Giờ có từ xa xưa, được truyền qua nhiều đời và đã thành một tín ngưỡng văn hóa truyền thống sâu đậm. Theo tài liệu ghi lại, từ thế kỷ XVII, khi chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, đến khu vực này đã có miếu thờ Hải thần (thuộc địa phận Vũng Tàu), đến năm Gia Long thứ 15 (năm 1816), triều đình cho dựng lăng thờ Ông Thủy tướng Nam Hải trên miếu Hải thần và quy định lễ hội Cầu Ngư - Nghinh diễn ra vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, từ năm 1913 đổi sang ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm cho đến nay. Từ năm 1952 lăng Ông Thủy tướng được di dời về vị trí hiện nay (cách lăng cũ khoảng 5km).

Ông Trần Thanh Sơn (Vạn phó lăng Ông Thủy Tướng - một chức danh do người dân địa phương bầu để chọn ra một ban chuyên lo việc quản lý di tích và duy trì việc cúng tế hàng tháng, hàng năm) tâm sự: “Đa phần người dân sống nghề biển nương nhờ ông Nam Hải, nhờ ông độ trì tai qua nạn khỏi khi ra khơi đánh bắt, do đó người đi biển lẫn người trên bờ đều tôn ông Nam Hải thành đức tướng quân và lập đền thờ”.

Từ một lễ hội Cầu Ngư bình thường, khoảng 10 năm nay được nâng tầm với tên gọi “Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ”, mỗi năm thêm đông  đúc, được nâng cấp về quy mô và cách thức tổ chức để trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân thành phố. Từ năm 2013, lễ hội đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Năm nay có nhiều hoạt động văn hóa thể thao, như thi đấu cờ người (do Liên đoàn Võ thuật thành phố biểu diễn), đua thuyền chèo, thi bơi, chạy marathon nhưng linh hồn của lễ hội vẫn là lễ rước ông Nam Hải diễn ra vào sáng 16-9 âm lịch. Trước lễ rước một tuần, ngư dân trang hoàng lại ghe thuyền, treo cờ kiệu, có người sơn mới lại ghe để rước lễ và đi đâu cũng gặp không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ chính. Thuyền bè về đậu san sát ở bến sông với cờ xí trang hoàng sặc sỡ, nổi bật trên nền xanh thẳm của rừng ngập mặn.

Theo ông Sơn, người sinh ra và lớn lên ở Cần Giờ, ngoài lễ hội chính này, người dân Thạnh An còn đặt ra ngày Nghinh Ông riêng vào rằm tháng 10 âm lịch; còn ở xã Long Hòa, mỗi ấp có ngày Nghinh Ông riêng trong năm.  

Tôn vinh ngư dân bám biển

Ngoài việc tổ chức ngày càng quy củ và phong phú về nội dung thì một trong những nội dung rất quan trọng được duy trì thành nề nếp là gắn việc Nghinh Ông với tôn vinh các ngư dân bám biển, những mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế ở các xã ven biển. Đó là mô hình lập tổ hợp tác đánh bắt xa bờ của 4 ngư dân xã Long Hòa, giúp tối ưu hóa thời gian khai thác trên biển để bám biển dài ngày hơn, hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu nạn trên biển, mang lại doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi chuyến, sau khi trừ chi phí còn lãi 110 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Hay mô hình nuôi cá bớp lồng bè của anh Dương Thanh Minh (SN 1980) ở ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An. Sau 3 năm nuôi thành công, từ năm 2015 anh mạnh dạn mở rộng diện tích với 18 lồng, tỷ lệ con sống 80%, sau khi trừ chi phí cho lãi hơn 500 triệu đồng. Và cũng nhờ biển mà hộ anh Võ Minh Hải (SN 1985) ở ấp Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh đã vươn lên thoát được nghèo với mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng...

Mọi người rất tâm đắc và xúc động khi được nghe tâm sự của anh Đặng Văn Nghiệp. Tại lễ tôn vinh năm nay. Anh và bà con đã ý thức được rằng: “Công việc đánh bắt trên biển vừa là mưu sinh, mang lại thu nhập vừa là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”.

Giấc mơ miền duyên hải

Vào đầu giờ chiều ngày rằm tháng 8 âm lịch, trên bãi biển Long Hòa cách trung tâm huyện khoảng 10km có đến hàng ngàn người vui chơi, tắm biển. Bãi biển ở đây còn nguyên vẻ hoang sơ, là không gian lý tưởng cho du khách tìm đến vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ hội.

Trở lại trung tâm huyện, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Quyết Thắng. Câu chuyện bắt đầu từ dự án công trình lấn biển và khu đô thị du lịch, được thành phố giao cho Saigon Tourist thực hiện từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, nhưng vì nhiều lý do nên chưa triển khai theo kế hoạch. Mới nhất, chủ đầu tư đã đề nghị tăng quy mô diện tích thêm 480ha, lên 1.080ha gồm các công trình khách sạn, resort cao cấp, sân golf, nhà hát, thủy cung lớn, trung tâm hội nghị, bến thủy phi cơ… UBND TPHCM đã chỉ đạo thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch 1/2000 toàn bộ diện tích dự án trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc…

Cách đây 15 năm, Cần Giờ đã mơ về một khu du lịch lấn biển tầm cỡ và giờ đây giấc mơ ấy đang đến gần với người dân huyện duyên hải. Một khi các công trình hạ tầng giao thông lớn được Nhà nước và thành phố đầu tư như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và sắp tới là cầu nối Nhà Bè với Cần Giờ hoàn thành, sẽ mở ra cơ hội cho du lịch phát triển và người dân nơi đây có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Và trong khi chờ đợi siêu dự án lấn biển ra đời thì Cần Giờ nên bắt tay ngay vào việc kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch và chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái bền vững dựa trên tài nguyên thiên nhiên sẵn có là khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn và các lễ hội truyền thống như Nghinh Ông ở các xã, di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác. Đây chính là chìa khóa phát triển của Cần Giờ trong thời gian tới.

VĂN PHONG

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn. Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc.  Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục