Cần giữ bản sắc dân tộc trong đào tạo người thầy

Ngày 27-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ GD-ĐT về phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2007 - 2015. Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và đại diện của 133 cơ sở đào đạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

(SGGP). – Ngày 27-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ GD-ĐT về phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2007 - 2015. Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và đại diện của 133 cơ sở đào đạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, Bộ GD-ĐT thừa nhận: Chưa chủ động trong quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên và việc cho phép mở ngành thiếu chặt chẽ; quy mô đào tạo tăng nhưng không giám sát được chất lượng; chưa cụ thể hóa nghị quyết vào thực tế thành chương trình, kế hoạch phát triển… Từ những bất cập này, nhiều đại biểu thẳng thắn kiến nghị những giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo “chiếc máy cái” của ngành giáo dục.

PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng: Dạy học là một nghề và trường sư phạm là trường dạy nghề. Do đó, phải xác định rõ ai sẽ là người vào nghề và làm nghề. Từ đó sẽ xác định cụ thể lộ trình, từ mục tiêu đến tuyển chọn người học và tiếp theo là nội dung chương trình và phương pháp đào tạo.

PGS-TS Cẩn nhấn mạnh: Đổi mới không phải là làm mới, làm lại… mà phải có kế thừa, trong đó có cái phải “đổi” và có cái phải “mới” cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cái cần phải giữ đó là bản sắc dân tộc trong đào tạo người thầy, trong xây dựng chương trình hoặc chuẩn nghề nghiệp sư phạm của người thầy.

Và phương pháp đổi mới đào tạo được nhiều đại biểu đồng tình chính là: Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên thông và có tính hệ thống giữa các cấp và các bộ môn; phương pháp đào tạo có thể kết hợp cả truyền thống lẫn hiện đại nhưng phải chú trọng sự liên thông, gắn kết giữa phương pháp dạy, phương pháp giáo dục và phương pháp giảng.

Để thực hiện sự đổi mới này, theo các chuyên gia phải đổi mới tuyển sinh, ngoài những tiêu chí chung thí sinh bắt buộc thi môn chung là Ngữ văn (cả văn học và tiếng Việt). Thực tập sư phạm phải được đổi mới theo hướng thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ngay từ năm đầu tiên. Để làm được điều này cần đầu tư cho mỗi trường sư phạm hệ thống trường thực hành từ mầm non đến trung học phổ thông. Quy chế thực tập sư phạm ban hành năm 1986 có nhiều điểm không còn phù hợp, cần có quy chế phối hợp giữa các trường sư phạm với sở GD-ĐT địa phương. Đào tạo giáo viên vừa dạy mầm non lẫn tiểu học, dạy THCS lẫn THPT.  

T.HÙNG

Tin cùng chuyên mục