Cần khôi phục quốc phục áo dài cho nam và nữ

Ngày 16-3, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế đã thu hút rất đông các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà thiết kế áo dài Huế tham dự. 

 

Trưng bày áo dài Huế bên lề Hội thảo khoa học phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế
Trưng bày áo dài Huế bên lề Hội thảo khoa học phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế

Tại hội thảo, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng trong. Qua bao thăng trầm thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính sáng tạo, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng toàn cầu. 

Song để áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc, biểu trưng của Huế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Huế có thể đi tiên phong vận động khôi phục lại quốc phục áo dài Việt Nam cho cả nam và nữ; xúc tiến thành lập hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế... Còn TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, cho rằng, Huế cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng áo dài. Theo nhiều nhà thiết kế, bên cạnh tăng cường truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm thì Huế cần có "phố may áo dài" và xây dựng không gian áo dài để tạo tính chuyên nghiệp nhằm nâng tầm áo dài Huế không chỉ trong con mắt khách du lịch mà còn để phát triển thị trường; cần có chính sách hỗ trợ để tổ chức thường xuyên các "show diễn thời trang áo dài Huế". Từ các show diễn này không chỉ góp phần hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống mà còn giới thiệu và là không gian trải nghiệm chân thực cho du khách về tà áo dài.

Tin cùng chuyên mục