Cần mở đường cho công nghiệp thuốc nội phát triển thật sự

Cần mở đường cho công nghiệp thuốc nội phát triển thật sự

• Mở rộng trường hợp được miễn thử lâm sàng

(SGGPO).- Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) có 14 chương, 98 điều, tăng 25 điều và 3 chương so với Luật Dược 2005. Các chương được bổ sung là: Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Hành nghề dược; Dược lâm sàng và Quản lý giá thuốc. Dự thảo bỏ Chương Quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đưa các nội dung của Chương này vào các phần tương ứng trong dự thảo.

Một điểm mới cơ bản so với Luật hiện hành là các chính sách phát triển công nghiệp dược. Theo đó sẽ ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền; vắc xin, sinh phẩm; phát triển nguồn dược liệu làm thuốc; bảo tồn nguồn gen và những loài dược liệu quý, hiếm...

Cùng với đó sẽ ưu tiên sử dụng thuốc trong nước. Theo đó, đối với thuốc mua từ vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập, dự thảo Luật quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.

Về giá thuốc, khác với trước đây, dự thảo Luật không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả, do việc đưa ra tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi.

Thay vào đó, dự thảo quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất với quy định tại Luật giá, Luật đấu thầu và các văn bản khác có liên quan. Để bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý giá thuốc và tăng cường hiệu quả của sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý giá thuốc, dự thảo vẫn khẳng định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc.

Góp ý về dự thảo Luật, nhiều ý kiến trong UBTVQH ghi nhận dự án đã được chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của UBTVQH tại phiên họp trước, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng (ảnh) cho rằng, nội dung về phát triển sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước tại dự án Luật này còn “mỏng”. Ông nói: “Chúng ta đã có những nguyên liệu rất quý, như sâm Ngọc Linh, vào loại tốt nhất thế giới; làm sao để tạo điều kiện phát triển công nghiệp dược nội”. Ông Dũng cũng lưu ý đến sự tương thích của dự thảo với Luật về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập để một mặt đảm bảo thực hiện đúng các cam kết, mặt khác, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước…

Nhận xét rằng nhiều quy định về thủ tục trong dự thảo Luật còn phức tạp, với gian chờ đợi dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị rà soát, đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành việc sửa đổi quy định về miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng đối với một số loại thuốc nhằm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, đặc biệt là đối với các vắc xin mới phát minh, các thuốc liên quan đến sự sống còn của người bệnh, các thuốc có sự thay đổi nhanh và liên tục để đáp ứng kịp thời điều trị các bệnh do virus, bệnh truyền nhiễm mới nổi…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ về tình hình thị trường dược hiện nay. “Trong khi có tiềm năng về nguyên liệu dược rất lớn thì hiện nay chúng ta toàn phải nhập khẩu, gần như mua nguyên liệu về dập thành thuốc một cách rất đơn giản, thiếu đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến. Dự thảo Luật cần có những quy định để mở đường cho công nghiệp thuốc nội phát triển thật sự, đừng để xảy ra tình trạng “chết trên đống dược liệu quý”.

 Giá trị thuốc sản xuất trong nước tính đến năm 2014 mới chiếm 0,72% GDP của Việt Nam. Giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia. Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc (mà chủ yếu là các thuốc generic). Riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.

(Trích Tờ trình Số: 425/TTr-CP của Chính phủ về dự án Luật Dược)

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục