Cần mô hình quản lý phù hợp với loại hình vận tải mới

Lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm và phải đặt trong xu hướng phát triển chung của xã hội, của đất nước trong thời kỳ công nghiệp 4.0 để xây dựng mô hình quản lý Grab và Uber, là ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành vận tải. 
Quản lý Grab và Uber hiện nay chưa phù hợp
Quản lý Grab và Uber hiện nay chưa phù hợp
Chưa hết, cũng theo họ, nghị định của Chính phủ về quản lý một ngành nghề có tác động lớn trong xã hội như vận tải phải được xây dựng trên cơ sở đóng góp tích cực hơn nữa của nhiều bộ, ngành liên quan, không chỉ có Bộ Giao thông Vận tải. 

Không nên “gọt chân cho vừa giày”

Cả Grab và Uber đều không có phương tiện vận tải, không quản lý tài xế - chủ xe, đó là thực tế. Trong khi đó, theo Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương tiện bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh. Phương tiện vận tải có thể thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật… Do vậy, theo một chuyên gia vận tải xin được phép giấu tên, căn cứ vào nghị định này, dù được định danh là xe hợp đồng hay taxi thì cũng không đúng với thực tế hoạt động của Grab và Uber tại Việt Nam.
Thời gian qua, do mô hình kinh doanh của Grab và Uber quá mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam (và nhiều nước khác trên thế giới) nên việc Chính phủ cho phép các đơn vị này được thí điểm hoạt động theo hình thức hợp đồng vận tải có ứng dụng công nghệ để kết nối với khách hàng, là điều có thể chấp nhận được. Thế nhưng, có nên tiếp tục “gò, gọt” loại hình kinh doanh này vào khuôn vận tải là điều nên cân nhắc kỹ.
Chưa kể, hiện nay không ít quy định liên quan đến kinh doanh vận tải đã bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng taxi dù, xe khách liên tỉnh theo tuyến cố định giả danh xe hợp đồng vào sâu trong nội đô đón khách, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của những bất cập này. Không ít tài xế taxi, dù được tập huấn các kỹ năng phục vụ hành khách đầy đủ nhưng vẫn cố tình “đường ngắn biến thành đường xa” mà doanh nghiệp taxi không quản lý được. Giá cước vận tải chậm thích ứng với các biến động của giá nhiên liệu, giá nhân công… gây thiệt hại cho hành khách.

Ngay như mô hình dịch vụ hỗ trợ mà hầu hết các HTX vận tải du lịch, taxi… đăng ký hoạt động cũng có nhiều điều chưa ổn. Theo bà Nguyễn Mai Thảo, Chủ nhiệm HTX vận tải hàng hóa và hành khách Nam Việt, đơn vị có gần 300 xe có hợp đồng ứng dụng công nghệ thông tin với Grab và Uber, với mô hình này, cơ bản HTX chỉ làm các dịch vụ giấy tờ pháp lý hỗ trợ cho xã viên, còn kinh doanh vận tải như thế nào, xã viên tự quyết định. Chính vì vậy, không chỉ HTX, ngành thuế mà ngay cả Grab và Uber trong rất nhiều trường hợp không biết được chủ xe có doanh thu bao nhiêu, nhất là khi hành khách trả tiền mặt và tài xế thông đồng với hành khách tắt kết nối.

Thích ứng để phát triển

Lập lại trật tự vận tải là việc phải làm. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, sự xuất hiện của Grab và Uber đã buộc các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống phải thay đổi, giảm giá cước, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Và người dân đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc này. Đây là một trong những yếu tố then chốt mà ngành chức năng phải cân nhắc cẩn trọng khi “ứng xử” với các đơn vị cung cấp công nghệ kết nối xe với hành khách. Hơn nữa, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng “kinh tế số” của thế giới, nhất là khi đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Do vậy, trách nhiệm của các đơn vị chức năng là phải tìm được hình thức quản lý phù hợp để khai thác hết tiềm năng của nền “kinh tế số”.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc để cho Bộ Giao thông Vận tải “chủ đạo” tính đến việc quản lý loại hình kinh doanh mới này là chưa đầy đủ. Trong chức trách của mình, họ vẫn sẽ chỉ nghĩ “chủ yếu” về vận tải. Với quy định muốn kinh doanh vận tải, chủ xe phải tham gia vào một đơn vị kinh doanh vận tải có tư cách pháp nhân và việc không cho xe ký kết hợp đồng vận tải với nhiều đối tác, đã vô hình trung làm mất đi một trong những tính chất tiến bộ của loại hình kinh doanh có kết nối công nghệ, đó là tính chia sẻ. Tính chia sẻ, diễn đạt nôm na là người có xe, qua ứng dụng kết nối, có thể tìm được hành khách muốn cùng đi để cùng chia sẻ chi phí với mình. Việc nhiều người cùng sử dụng một xe còn giúp sử dụng hiệu quả hơn tài sản của xã hội, giúp các đô thị lớn như TPHCM bớt lượng xe lưu thông. Nên chăng, các bộ liên quan như Công thương, Khoa học Công nghệ, Công an… tham gia sâu và nhiều hơn nữa với Bộ Giao thông Vận tải nhằm tìm ra mô hình quản lý phù hợp cho loại hình kinh doanh mới này? 

Và các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống, đặc biệt là taxi cũng nên thay đổi quan điểm kinh doanh. Thay vì phải bỏ kinh phí lớn để đầu tư phương tiện vận tải, tại sao không ứng dụng công nghệ, kêu gọi sự tham gia hợp tác kinh doanh của các phương tiện giao thông nhàn rỗi? Với kinh nghiệm quản lý, điều hành lâu năm trong lĩnh vực vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống hoàn toàn có đủ năng lực để thu hút một lượng lớn chủ các phương tiện vận tải tham gia. Thay đổi, thích ứng là cách khôn ngoan nhất để tồn tại và thành công.

Tin cùng chuyên mục