Cần mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 15-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

(SGGP).– Sáng 15-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Hầu hết các đại biểu cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của cơ quan hành pháp và lập pháp. Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu các sở, ban ngành trực thuộc UBND TP. “Đối với chức danh Chủ tịch UBND quận - huyện không tổ chức HĐND cũng cần phải tính toán để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân, đảm bảo tính dân chủ, vì hiện nay luật chưa phủ được công tác giám sát đối với đối tượng giữ các chức danh này. Ngoài ra, cần có thêm kênh để đánh giá hoạt động của ĐBQH, HĐND”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, thẳng thắn: “Đánh giá cán bộ không nên theo cách làm 3 mức tín nhiệm như thời gian qua mà chỉ nên 2 mức là tín nhiệm hay không tín nhiệm. Đã làm thì phải làm rạch ròi”. Cùng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, tín nhiệm thấp thật ra là cách nói tránh né để hiểu rằng đây không phải là không tín nhiệm mà là tín nhiệm thấp thôi, nhưng thực chất khi tín nhiệm thấp là không được tín nhiệm. Khi cán bộ không đủ năng lực thì phải sử dụng người khác, qua đó góp phần nâng tín nhiệm đối với cơ quan hành pháp. Ngoài ra, Quốc hội cần có biện pháp rõ ràng đối với những người mức độ tín nhiệm thấp. Cần tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm vào thời điểm cuối năm.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục