Cần mở rộng hỗ trợ về nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 25/2016 chính thức gia hạn việc giải ngân gói hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ đồng từ ngày 1-8-2016. Mới đây, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai ngay cho người mua nhà thông qua việc hướng dẫn, giải thích, phổ biến đúng, đầy đủ về nội dung chính sách tới khách hàng vay vốn và các bên có liên quan trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM (HoREA) cho rằng một số nội dung trong thông tư này vẫn chưa thỏa đáng. 
Cần mở rộng hỗ trợ về nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 25/2016 chính thức gia hạn việc giải ngân gói hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ đồng từ ngày 1-8-2016. Mới đây, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai ngay cho người mua nhà thông qua việc hướng dẫn, giải thích, phổ biến đúng, đầy đủ về nội dung chính sách tới khách hàng vay vốn và các bên có liên quan trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM (HoREA) cho rằng một số nội dung trong thông tư này vẫn chưa thỏa đáng. 

Một dự án nhà ở xã hội của Công ty Hoàng Quân. Ảnh: HUY ANH

Kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân

Thông tư 25/2016 quy định, thời hạn giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31-12-2016. Sau thời điểm ngân hàng kết thúc giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN quy định, ngân hàng tiếp tục giải ngân cho khách hàng đối với số tiền chưa giải ngân hết theo hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn vốn của ngân hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng. Với quy định này, HoREA cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, trên thực tế sẽ có nhiều trường hợp khách hàng nhận nhà sau thời điểm 31-12-2016, như vậy sẽ không được tiếp tục hưởng lãi suất vay ưu đãi (5%/năm - PV) mà phải vay khoản tiền còn lại trong hợp đồng với lãi suất thỏa thuận theo chính sách cho vay của từng ngân hàng. Nhiều khách hàng không đủ điều kiện và khả năng tài chính sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng mua nhà, chưa nói có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, hoặc phải sang nhượng lại cho người khác. Từ đó, HoREA đề nghị NHNN cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước ngày 31-3-2016 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31-12-2016.

Việc NHNN đã gia hạn việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho đối tượng mua nhà được đánh giá là đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân, giúp nhiều người mua nhà “thở phào”. Mặc dù vậy, Thông tư 25 lại không đề cập đến các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã vay vốn tín dụng ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng và đang thực hiện các dự án nhà ở xã hội dở dang, nên các doanh nghiệp (DN) cho rằng có cảm giác bị bỏ rơi. Thực tế cho thấy, hiện dự án Hoàng Quân Plaza đã được Ngân hàng BIDV ký hợp đồng cho vay 540 tỷ đồng và đã giải ngân 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-6-2016, việc giải ngân từ ngân hàng bị dừng theo quy định của NHNN. Trong khi đó, dự án vẫn đang dở dang, 500 căn hộ cần vốn để hoàn thiện và bàn giao. Nếu không được tiếp tục nhận nguồn tín dụng ưu đãi từ BIDV thì Công ty Hoàng Quân rất khó có điều kiện để hoàn thành công trình, bàn giao nhà cho khách hàng đúng hạn và người mua nhà phải chịu thiệt. Lãnh đạo Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng cho biết, kết quả kinh doanh quý 2-2016 của DN bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc gói 30.000 tỷ đồng ngưng giải ngân trong giai đoạn này và chưa triển khai gói mới. Xuất phát từ thực tế này, HoREA cũng đã kiến nghị NHNN chấp thuận cho giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31-3-2016 đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án đó đang xây dựng dở dang và đã bán cho khách hàng - mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31-3-2016, để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành công trình bàn giao nhà cho khách hàng.

Nên áp dụng lãi suất 4,8%/năm cho nhà ở xã hội

Liên quan đến lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, HoREA cho rằng người dân vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội nên được vay với mức 4,8% trong năm 2016, thay vì 5% như quy định hiện tại. Trong khi đó, NHNN đã công bố lãi suất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 5%/năm áp dụng cho năm 2016, có nghĩa là người mua nhà ở thương mại và cả người mua nhà ở xã hội đều phải chịu lãi suất như nhau. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, quy định lãi suất 5%/năm đối với người mua nhà ở thương mại rất hợp lý, nhưng đối với người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi thì chưa thật thỏa đáng. Bởi lẽ, ngày 6-6-2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1013 quy định lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết năm 2016. Chính vì thế, Horea đã đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng là 4,8%/năm áp dụng đến hết ngày 31-12-2016 cho các trường hợp mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.

Về việc cấp thiết bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có văn bản gửi Vãn phòng Chính phủ và HoREA cho hay, hiện ngân hàng này thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015, ngân hàng đã chuẩn bị vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ, sẵn sàng thực hiện chương trình nhà ở xã hội ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn. Riêng đối với kiến nghị của HoREA về “đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 Nghị định số 100 (hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội với thời gian tối thiểu 12 tháng), để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội”, Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân là một phần trong nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, ngân hàng đã tập trung nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, xây dựng, lựa chọn phương án phù hợp và xin ý kiến các bộ, ngành. Dựa trên cơ sở đó, ngày 21-6-2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền quyết định lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cho từng thời kỳ.

BÌNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục