Tuần đầu của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII trôi qua trong nặng nề. Chưa bao giờ bức tranh tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội lại ảm đạm như lúc này. Trên bàn nghị sự, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ những ngổn ngang trăm mối. Đó là mối lo thu ít, chi nhiều, nợ nần chồng chất đến mức phải đi vay “để ăn, để tiêu, để trả nợ”. Trong 3 năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên so với thu ngân sách tăng dần từ 59% lên 69%. Điều này dường như đi ngược với quyết tâm tiết kiệm chi 10% đưa ra từ nhiều năm nay.
Những số liệu khách quan nêu trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp có lẽ cũng nói lên nhiều điều. Đó là trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại, một số nước trong khu vực ASEAN lại có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể như Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012).
Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng, các nước trong khu vực “người ta đã thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng tốt rồi, chỉ còn chúng ta cứ một mình luẩn quẩn trong vòng khó khăn”. Cũng đã 3 năm tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch.
Cùng lúc, các ĐBQH đang mổ xẻ nỗi lo của nền kinh tế thì bao nhiêu sự kiện đáng buồn từ cuộc sống xã hội dội vào nghị trường. Nào là vụ án bác sĩ ném phi tang xác bệnh nhân xuống sông, nhiều vụ việc y đức xuống dốc, tai nạn giao thông thảm khốc, rồi đến cơn chấn động trước thông tin có cả cơ quan nhà nước thông đồng với các nhà ngoại cảm để lừa dối gia đình liệt sĩ trong quy tập hài cốt liệt sĩ… Tất cả đều là những gam màu thật buồn đã khiến người dân xôn xao, ĐBQH lo lắng. Đã có những phát biểu của ĐBQH chạm đến tận đáy của nỗi lo đó.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thẳng thắn khi cho rằng lòng dân đang bất an; ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nhận định niềm tin của người dân đang bị bào mòn vì những chi tiêu vô tội vạ từ ngân sách. Chi thường xuyên lớn, biên chế phình ra nhưng khi có chuyện thì không thấy ai chịu trách nhiệm.
Đã không ít ý kiến trăn trở rằng kinh tế sa sút phải chăng lại khiến đạo đức xã hội đi xuống? Bác sĩ có thể hành động táng tận lương tâm? Người tự xưng là nhà ngoại cảm có thể ăn tiền trên anh linh liệt sĩ? Cán bộ thuế “chân trong, chân ngoài”, cưa đôi tiền của cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế? Một số người cũng trở nên đê hèn như khi vô tình gây cháy ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường ở Bảo tàng không gian văn hóa Mường nhưng chỉ biết lên xe trốn chạy, để mặc cả một không gian văn hóa quý giá thành tàn tro? Tất cả những điều đó cho thấy đã có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức và lối sống.
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đã nói rất thấm thía rằng kinh tế suy thoái có thể vực dậy trong 3 năm, 5 năm; nhưng nếu suy thoái văn hóa, đạo đức xã hội thì phải mất cả thế hệ và hơn thế để vực dậy những điều tốt đẹp. Rõ ràng cần một cuộc chấn hưng toàn diện cả về kinh tế lẫn giáo dục, văn hóa, y tế… chứ không riêng lĩnh vực nào. Để làm được cuộc chấn hưng đó, cả một hệ thống giải pháp khổng lồ đã được đưa ra cho từng lĩnh vực, mà như các ĐBQH nhận xét, giải pháp không còn thiếu, chỉ là vấn đề nghiêm minh trong thực hiện.
Nhưng quan trọng hơn hết, như nhiều ĐBQH cũng đã chỉ ra, đó là từng vị trí trong hệ thống chính trị, từ trung ương xuống địa phương, từng cán bộ, đảng viên, từng mắt xích trong bộ máy hành chính nhà nước phải thật sự nghiêm túc, tự vấn lương tâm để làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Sai có thể sửa, yếu kém có thể hoàn thiện thêm, miễn là phải biết đặt mục đích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, thay vì tham nhũng, vơ vét và làm ngơ cho những tiêu cực lộng hành.
Còn nhớ trong lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những câu chuyện gây xúc động, thấm thía nhất đối với mỗi người dân là câu chuyện về tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác Hồ và Đại tướng. Bác Hồ đã dặn Đại tướng “làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”. Hai thầy trò Chủ tịch Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp là biểu tượng tuyệt vời nhất của tinh thần đó. Chính bởi thế mà khi Bác Hồ và Đại tướng ra đi, cả biển người đất Việt đã tỏ lòng thương nhớ.
Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn hiện nay, mỗi người dân Việt Nam đều mong tinh thần đó sẽ thấm nhuần trong từng quyết sách, hành động của Quốc hội, Chính phủ, từng vị trí cán bộ, đảng viên. Chỉ khi đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, chỉ khi chi tiêu ngân sách cũng được cân nhắc như người dân chi tiêu từng đồng cho bữa ăn của họ, chỉ khi lo cho dân như chính lo cho mình… thì mới có thể mong an dân. Đo được lòng dân lúc này sẽ thấy, dân mong một cuộc chấn hưng toàn diện như thế nào.
PHAN THẢO