Cần nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng

Cục Quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam đã tổ chức đánh giá hiệu quả dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” từ năm 2007 – 2011. Đây là dự án mang ý nghĩa xã hội cao, có lợi ích lớn cho môi trường, sức khỏe của cộng đồng. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế.
Cần nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng

Cục Quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam đã tổ chức đánh giá hiệu quả dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” từ năm 2007 – 2011. Đây là dự án mang ý nghĩa xã hội cao, có lợi ích lớn cho môi trường, sức khỏe của cộng đồng. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế.

° Ông đánh giá như thế nào về kết quả của dự án “Nâng cao sức khoẻ cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường?”

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đây là một dự án đạt hiệu quả cao do được thực hiện một cách bài bản với kế hoạch hành động cụ thể. Dự án được Cục Quản lý trường Y tế - Bộ Y tế triển khai từ năm 2007 đến năm 2011 tại 16 tỉnh, 39 huyện, 80 xã bằng nguồn kinh phí 42 tỷ đồng do Quỹ Unilever Việt Nam tài trợ. Sau 5 năm triển khai, dự án đem lại những hiệu quả đáng kể về mặt xã hội, môi trường.

Đặc biệt, dự án đưa ra một hướng tiếp cận mới, tạo những tiền đề bền vững cho các hoạt động tích cực nhằm giúp người dân nhận thức, thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe như: tăng tỷ lệ rửa tay với xà phòng, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tạo được tinh thần tự giác giữ vệ sinh môi trường…

° Để đạt được hiệu quả trên, theo ông,  đâu là nhân tố quyết định?

Việc tham gia của các ngành, các tổ chức xã hội và người dân ở địa phương vào các hoạt động của dự án đã thể hiện được tính xã hội hóa trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, khống chế dịch bệnh, tác động đến việc thay đổi hành vi, những tập quán không có lợi cho sức khỏe của người dân vùng dự án.

Về phía các tổ chức, cán bộ tham gia dự án tại các cấp, họ được tham dự nhiều khóa tập huấn nâng cao được năng lực về lập kế hoạch, quản lý và điều hành các hoạt động dự án đang được triển khai tại địa phương. Các cán bộ dự án cũng được trang bị các kỹ năng về tuyên truyền, vận động cộng đồng nhận thức và thay đổi các hành vi xấu ảnh hưởng tới sức khỏe.

Về phía người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại 39 huyện tham gia dự án đã tự giác tham gia và duy trì các hoạt động bảo vệ nguồn nước và môi trường sống, đồng thời biết thực hiện những hành vi vệ sinh tích cực để tự phòng tránh bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Cụ thể, với 2 triệu bánh xà phòng phát miễn phí do hãng Uniliver tài trợ, kết quả sau 5 năm triển khai dự án tỉ lệ rửa tay với xà phòng của người dân đã tăng từ 14,6% lên 66,5%.

Ngoài ra dự án còn có hiệu quả về mặt tài chính. Các thay đổi về hành vi, lối sống đã góp phần ngăn ngừa dịch bệnh ở các xã dự án. Như vậy, ngân sách Nhà nước cũng như của mỗi gia đình dành cho việc điều trị các bệnh này sẽ giảm đáng kể và được dùng vào những mục đích tích cực khác.

° Trong thời gian tới, Cục QLMTYT có kế hoạch gì để tiếp tục duy trì hiệu quả của dự án, tạo tính bền vững và sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong cộng đồng?

Nhận thức được tính thiết thực của dự án, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đã duyệt thêm kinh phí để xây dựng các công trình mẫu tại các nơi công cộng, có chính sách hỗ trợ người nghèo trong việc tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh. Chính quyền cũng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tham gia lồng ghép các nội dung của chương trình dự án với sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể.

Chúng tôi cũng  đánh giá cao sự hỗ trợ về tài chính và kinh nghiệm trong các hoạt động về truyền thông của Quỹ Unilever và nhãn hàng Lifebuoy cho dự án này trong suốt 5 năm qua. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Cục QLMTYT  – Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam đã mang lại những kết quả cao cũng như tạo nên tính bền vững cho dự án.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác dài hạn cho giai đoạn 2012-2016 với các bộ ban ngành, Unilever đang cam kết hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 115 tỷ đồng cho các dự án hợp tác với Bộ Y tế nhằm tăng cường vệ sinh, sức khỏe và cải thiện cuộc sống, trong đó ngân sách để duy trì và phát triển dự án “Rửa tay tới xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh” với Cục QLMTYT là 50 tỷ đồng”. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Quỹ Unilever tiếp tục thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, cộng đồng và môi trường bởi đây cũng là những nỗ lực rất tích cực nhằm nâng cao vệ sinh sức khỏe và hỗ trợ phát triển trí lực, thể lực cho người dân Việt Nam.

° Xin cảm ơn ông!

LÊ TRÂM thực hiện

Tin cùng chuyên mục