Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long:

Cân nhắc kỹ khi nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 và 3

Cân nhắc kỹ khi nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 và 3

Gần 1 tháng sau 2 đợt thi tuyển, đầu tháng 8 này, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2004 lại trở nên “nóng” hơn khi hàng loạt trường đại học, học viện chuẩn bị công bố điểm thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT chuẩn bị đưa ra phương án điểm sàn xét tuyển và quan trọng nhất là điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 1, 2 và 3 sẽ được công bố. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long xung quanh công tác chấm thi và những dự kiến về điểm sàn xét tuyển của kỳ thi.

- PV: Đến nay, nhiều trường đại học đã hoàn tất việc chấm thi trên 80% số lượng bài thi. Tình hình chấm thi năm nay có gì mới không, thưa Thứ trưởng?

Cân nhắc kỹ khi nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 ảnh 1

Thứ trưởng
Bành Tiến Long

- Thứ trưởng BÀNH TIẾN LONG: Theo đánh giá kết quả thanh tra ban đầu của chúng tôi, hầu hết các trường đều thực hiện nghiêm túc quy định chấm 2 vòng độc lập. Trước kỳ thi, khi đưa dự thảo quy định này ra xin ý kiến các trường, họ phản đối ghê lắm vì cho rằng, như vậy sẽ làm chậm tiến độ chấm thi, rồi trường thì thiếu cơ sở vật chất, không bố trí phòng chấm được...

Nhưng đến khi thành quy định chính thức, các trường đều làm được: trường nào có đủ cơ sở vật chất thì bố trí các phòng chấm riêng, có trường không đủ phòng chấm thi thì bố trí ngăn đôi lớp học hoặc xếp các môn thi chấm xen kẽ trong cùng 1 phòng.

Năm nay, phản hồi từ các trường cũng cho thấy, đáp án và thang điểm chấm thi khá chi tiết, quy trình xử lý điểm chênh lệch giữa hai vòng chấm cũng được quy định cụ thể nên trong quá trình xử lý điểm thi, hầu như không xảy ra vướng mắc giữa hai vòng chấm. Riêng những vấn đề nảy sinh đối với đáp án môn Lịch sử, Ban chỉ đạo đã nhắc lại, trong hướng dẫn chấm đã nói rõ, nếu thí sinh phân tích sâu sắc hơn đáp án đều được điểm tối đa, thậm chí được thưởng điểm.

- Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng có đưa ra dự kiến điểm sàn xét tuyển vào khoảng 14 – 15 điểm. Tuy nhiên, theo dư luận từ các trường đại học dân lập thì mức điểm này vẫn cao, sẽ khó lấy đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy điểm sàn xét tuyển do Bộ GD-ĐT đưa ra có tính đến những yếu tố này?

Cân nhắc kỹ khi nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 ảnh 2

Thí sinh tranh thủ ôn bài trong giờ nghỉ trưa tại kỳ thi ĐH-CĐ 2004. Ảnh: MAI HẢI


- Năm ngoái, có một số trường hợp các trường đại học dân lập lấy điểm xét tuyển tương đối thấp (10 – 12 điểm). Điểm sàn xét tuyển là một giải pháp để nâng chất lượng đầu vào và có tính đến yếu tố vùng miền cũng như ngành nghề khó tuyển. Theo kế hoạch thì từ 15 đến 20-8, điểm sàn xét tuyển sẽ được Hội đồng định điểm sàn xác định và công bố để từ đó các trường xác định điểm chuẩn tuyển sinh.

Sau khi có thống kê điểm thi trên toàn quốc, điểm sàn sẽ được định ra cho từng khối A, B, C, D. Tuy nhiên, điểm sàn sẽ phụ thuộc vào kết quả điểm thi của thí sinh nên đối với một số ngành nghề khó tuyển, Hội đồng xác định điểm sàn có thể đề xuất điểm sàn cho các trường và vùng miền khác nhau và trình Bộ trưởng quyết định.

- Với quy định phát 2 giấy báo điểm cho thí sinh, nhiều trường đang lo ngại về số thí sinh ảo sẽ tăng mạnh ở nguyện vọng 2 và 3. Theo ông, có biện pháp nào để khắc phục hiện tượng này?

- Thực ra số thí sinh “ảo” ở nguyện vọng 2 và 3 không đáng ngại lắm do các trường đã xét thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được cấp giấy báo điểm. Số thí sinh tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3 cũng bị khống chế bởi điểm sàn nên cũng khó xảy ra tình trạng lộn xộn.

Tuy nhiên, theo tôi, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 2 không nên nộp đơn xét tuyển nguyện vọng 3 vì cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 3 cũng không nhiều. Nên lưu ý là chỉ có những thí sinh có điểm thi tương đối cao và lựa chọn trường phù hợp mới có nhiều cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, các em nên cân nhắc thật kỹ khi nộp đơn xin xét tuyển nguyện vọng 2 và 3.

- Nhiều thí sinh cũng rất quan tâm đến việc chấm phúc khảo bài thi. Năm nay, việc chấm phúc khảo bài thi được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Sau khi công bố điểm thi, Hội đồng tuyển sinh sẽ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày công bố điểm thi) và phải có kết quả trả lời thí sinh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thí sinh cứ thấy thiếu điểm vào trường là làm đơn xin phúc khảo.

Thật ra, đây là suy nghĩ rất sai lầm vì không phải cứ chấm phúc khảo là được lên điểm, thực tế có nhiều trường hợp chấm phúc khảo còn bị hạ điểm so với kết quả ban đầu. Vì vậy, thí sinh chỉ nên xin phúc khảo bài thi trong trường hợp bài làm đúng với đáp án đã được công bố mà điểm vẫn thấp.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!

ĐINH LAN

Tin cùng chuyên mục