Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rasmussen vừa tuyên bố loại trừ khả năng mở rộng nhanh chóng, cụ thể là chưa vội kết nạp 4 quốc gia Gruzia, Macedonia, Montenegro và Bosnia-Herzegovina. Trong tình hình lẽ ra NATO phải gia tăng lực lượng, củng cố vị thế thì quyết định trên được Ngoại trưởng Macedonia nhận định là “bước lùi của lịch sử”.
Cách đây vài tuần, trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO diễn ra ở Brussels (Bỉ), ông Rasmussen vẫn còn nói khối này sẵn sàng kết nạp các thành viên mới, là những quốc gia có nguyện vọng gia nhập khối. Vậy mà giờ đây, cũng chính ông Rasmussen lại lập luận rằng NATO có những tiêu chuẩn khắt khe để kết nạp thành viên, rằng chuyện gián đoạn là điều hiển nhiên. Nhưng sự việc đâu có đơn giản như thế. Chỉ cần chút suy luận là có thể nhận ra kế “hoãn binh” của NATO trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra vào tháng 9 tới, được cho là bàn về vấn đề Nga và Ukraine - cơ hội để NATO “làm hòa” với Nga.
NATO là sản phẩm của cuộc cạnh tranh sức mạnh trong Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Liên minh này không những là phương tiện để duy trì cân bằng sức mạnh ở châu Âu so với ưu thế của các loại vũ khí thông thường và các lực lượng chiến đấu của Liên Xô, mà còn có nghĩa để hợp nhất Mỹ với châu Âu. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến sự tồn tại của NATO. Kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay, NATO đã 2 lần mở rộng: năm 1999 khi NATO kết nạp một số nước Đông Âu như Hungaria và Ba Lan, và năm 2004 kết nạp các nước Baltic như Látvia, Lítva và Bulgaria... Mặc dù việc thành lập EU ở mức độ nào đó có thể coi như một đối trọng với NATO, nhưng trong bối cảnh vai trò mới của Nga và EU, châu Âu và Mỹ nhận thấy NATO vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của an ninh chính trị quốc tế, đặc biệt khi sự chuyển dịch sang châu Á ngày càng tăng.
Vì có nguồn gốc hình thành khá mật thiết như vậy nên NATO không thể đẩy Nga ra xa mình trước xu hướng quốc tế hóa. NATO bị Mỹ gây áp lực để phải đứng ở thế đối đầu với Nga trong khi thành viên NATO là các quốc gia châu Âu không thể ngừng phụ thuộc Nga. Quyết định đóng băng mọi hợp tác quân sự với Nga liên quan đến căng thẳng Ukraine, liên tục tổ chức tập trận gần biên giới Nga chỉ là cách để NATO khẳng định mình vẫn còn sức ảnh hưởng trên thế giới và cũng để “chiều lòng Mỹ”. Thực tế, EU rất cần Nga. Nga cung cấp đến 30% nhu cầu khí đốt và 35% nhu cầu dầu mỏ cho EU. Còn nhớ, năm 2009, NATO từng có động thái tương tự, đình chỉ quan hệ với Nga sau cuộc chiến tại Nam Ossetia.
Chỉ sau đó vài tháng, NATO đã chủ động khôi phục quan hệ với đối tác quan trọng của mình trong các vấn đề chính trị quan trọng ở Afghanistan, Iran, Syria, Triều Tiên… mà khối này không thể một mình xoay xở. Trong tình hình hiện nay, NATO đang ở vào thế “lực bất tòng tâm”, không thể đảm trách vai trò đảm bảo an ninh chung như mong muốn và cần nhìn vào thực tế đang diễn ra. NATO đang gồng mình với chỉ tiêu đóng góp tối thiểu 2% GDP cho quân sự.
Khối này không chỉ cân nhắc khả năng của các thành viên trong tương lai mà có lẽ đang tính chuyện thiệt hơn nếu tăng quân số, nhất là khi các ứng viên không phải là những nước có nền kinh tế mạnh.
NHƯ QUỲNH