(SGGPO).- Chiều 22-5, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại tổ đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là đảm bảo tính độc lập của tòa án; của thẩm phán trong quá trình xét xử.
“Tôi làm thẩm phán từ rất lâu và từ kinh nghiệm của mình thì thấy rằng không nên phân ra các ngạch sơ cấp, trung, cao cấp; vừa gây tâm lý không thoải mái, vừa khó khăn cho công tác điều động cán bộ. Chỉ nên chia làm hai ngạch là thẩm phán và thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thôi”, ông Huỳnh Ngọc Ánh bình luận. Vẫn theo ông Ánh, nhiệm kỳ thẩm phán bổ nhiệm lần đầu nên là 10 năm, sau đó cứ 10 năm lại bổ nhiệm lại. Riêng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không thời hạn.
Về hội thẩm nhân dân, các đại biểu Trần Du Lịch, Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đều cho rằng không nên “chuyên nghiệp hóa” hội thẩm nhân dân. Ông Trần Du Lịch phát biểu: “Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho xã hội, để nói lên suy nghĩ, sự phán xét, lương tâm của xã hôi trong các vụ án hình sự. Một người có thể chỉ làm hội thẩm một lần trong đời. Ý kiến của họ là để thẩm phán cân nhắc, nhưng người chịu trách nhiệm lượng hình cuối cùng là thẩm phán. Như vậy họ càng hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của ai càng tốt”.
Liên quan đến án lệ, nhiều ý kiến tán thành quy định giao cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng án lệ như trong dự thảo luật. Luật sư Trương Trọng Nghĩa còn khuyến nghị mạnh mẽ hơn: “Án lệ là những bản án tốt, mẫu mực của tòa cấp trên, có thể nghiên cứu áp dụng cho tòa cấp dưới và ngang cấp, như vậy không nhất thiết phải tiến hành “tổng kết” như dự thảo Luật, làm sai lệch ý nghĩa của “án lệ”. Tôi cho một số bản án phúc thẩm tốt cũng có thể công nhận là án lệ”.
Một đề xuất đáng lưu ý được đại biểu Trần Du Lịch nêu ra tại phiên thảo luận là chế định “Tòa cấp thẩm” (chỉ có một thẩm phán, xét xử nhanh chóng, kịp thời theo những thủ tục rút gọn) để đưa ra những phán quyết có liên quan đến quyền nhân thân.
Liên quan đến dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, trong đó có việc bổ nhiệm, thi tuyển kiểm sát viên, tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên... “Lâu dài nên hướng tới thi tuyển kiểm sát viên để đảm bảo chất lượng, công bằng hơn”.
ANH PHƯƠNG