Theo dõi chương trình Nói và Làm do Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo chủ trì về vấn đề sụp lún đường gây ra hàng chục “hố tử thần” trên địa bàn TPHCM trong hơn tháng qua, người dân cảm thấy cuộc đối thoại khá thẳng thắn, trong đó những nguyên nhân được mổ xẻ rất đúng. Thế nhưng, nhìn đúng thực trạng, nêu đúng nguyên nhân rồi thì TP và các ngành chức năng, trong đó Sở GTVT chịu trách nhiệm chính phải làm gì để trước mắt hạn chế, sau đó tiến tới ngăn chặn mối hiểm nguy tiềm ẩn - xuất hiện thêm “hố tử thần” trên đường?
Điển hình là ngay trong ngày các đại biểu đối thoại, loay hoay tìm giải pháp giải tỏa nỗi bất an của người dân khi lưu thông trên đường, thì tối 7-11 lại thêm “hố tử thần” số 34 xuất hiện tại giao lộ Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo (quận 3, TPHCM). Tai nạn này khiến một xe taxi Petrolimex bị nổ vỏ do lọt qua hố mới bị đào lên nhưng che chắn thiếu an toàn. Sẽ còn bao nhiêu hố sâu bất ngờ sụp lún - rình rập, gây bất an, thậm chí lấy đi tính mạng của người vô tội?
Phân tích 34 hố tử thần vừa xảy ra trên địa bàn TP, nguyên nhân do thi công không đảm bảo quy trình kỹ thuật chiếm 1/3 tổng số vụ sụp lún. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Sở GTVT TPHCM vì thiếu giám sát nhà thầu, giám sát thi công nhằm đảm bảo quy trình, công nghệ tái lập mặt đường sau thi công. Còn lại 2/3 số vụ sụp lún là do “hạ tầng quá sức chịu đựng”, trong đó ống cấp nước, thoát nước cũ kỹ xuống cấp gây xì, bể và không loại trừ tác nhân khai thác nước ngầm bừa bãi… Người dân TP rất tán đồng với chất vấn của ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP, khi nhấn mạnh đến trách nhiệm của các bên liên quan và việc xử lý vi phạm đến đâu, cần thiết thì phải xử lý hình sự, như thế mới có tác dụng răn đe, chấn chỉnh những hành vi làm ăn gian dối, xem thường tính mạng của người đi đường như đã xảy ra.
Điều khiến dư luận bất bình là đến giờ này, dù để xảy ra nhiều hố tử thần, nhưng rất ít đơn vị hay cá nhân chịu trách nhiệm, chủ yếu mới khắc phục sự cố lún sụp là chính. Đúng như bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP, đặt vấn đề: Quy định xử phạt hiện hành đều đầy đủ nhưng chúng ta đã làm hết các quyền của mình chưa? Thời gian qua, chứng kiến những vụ sụp lún đường vì nhiều nguyên nhân như nêu trên, người dân cảm thấy buồn vì “trái banh trách nhiệm” bị đá qua đá lại, thiếu sự phối hợp khắc phục kịp thời sự cố xảy ra.
Chính sự chồng chéo, phân khúc trong quản lý đô thị đã và đang nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây bất an, mất an toàn cho xã hội. Phải nói là quá chậm, sau hàng loạt vấn đề khẩn cấp đặt ra cho công tác quản lý đô thị, chúng ta mới xới lên chuyện phải có giải pháp đồng bộ, phải có mô hình quản lý đô thị phù hợp, mời chuyên gia khảo sát độc lập để cho thấy bức tranh toàn cảnh về sụp lún, nghiên cứu xây dựng hầm kỹ thuật dùng chung…
Thông điệp mà người dân mong đợi là để phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại, không thể để bức tranh đô thị có tì vết đen, với nhiều hố tử thần xuất hiện như vừa qua. Bên cạnh những giải pháp đồng bộ phải triển khai ngay, TP cần có nhạc trưởng - đầu mối quản lý đô thị, nhằm xử lý nhanh những vấn đề vướng mắc, chồng chéo về trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
HOÀNG ANH (TPHCM)