Cân nhắc việc doanh nghiệp dùng tên danh nhân

Theo Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL, việc đặt tên doanh nghiệp (DN) trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc, trừ trường hợp người thành lập DN khi đặt tên DN theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập DN. Trường hợp đặt tên riêng DN bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

Thông tư này cũng quy định các trường hợp đặt tên cho DN được coi là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc như dùng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

Theo một số nhà văn hóa thì việc quy định không được đặt tên DN trùng với tên danh nhân là điều khá mơ hồ bởi lẽ những người nào thì được xếp vào danh nhân, liệu có phải xây dựng một danh sách danh nhân để DN tham khảo trước khi đặt tên hay không. Việc không đặt tên danh nhân này áp dụng cho những người nổi tiếng trong nước hay cả những danh nhân nước ngoài?

Để thực hiện theo đúng dự thảo này, chắc Bộ VH-TT-DL sẽ phải ban hành chính thức danh sách danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim, và cả những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, giặc ngoại xâm và những kẻ có tội với đất nước, dân tộc. Danh sách này chắc chắn sẽ rất dài và DN sẽ phải vất vả đối chiếu tên mà DN dự kiến đặt cho mình với danh sách này để tránh bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc. Ngoài ra, không dễ lập danh sách nói trên vì sẽ có tranh luận về các định nghĩa, tiêu chí và từng nhân vật vì điều này tùy thuộc vào góc nhìn cá nhân và các giá trị thay đổi theo thời gian.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì chẳng ai dại gì sử dụng tên những người có tội với đất nước hoặc nhân vật lịch sử giặc ngoại xâm nhưng để định danh được nhân vật nào là người kìm hãm sự tiến bộ thì cần phải có tốn khá nhiều giấy mực.

Việc không cho sử dụng tên danh nhân, tên địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược đặt tên cho DN khi có hiệu lực cũng sẽ khiến nhiều DN gặp rắc rối lớn khi tên của họ gắn với các thương hiệu lớn như Bia Sài Gòn, Công ty cơ điện Trần Hưng Đạo, Công ty cơ điện Trần Phú... Liệu khi thông tư này có hiệu lực họ có buộc phải thay đổi tên gọi khác cho phù hợp với truyền thống lịch sử của dân tộc?

Thể hiện quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Bộ VH-TT-DL nên rút lại quy định này. Ông Thành khuyến nghị ngành văn hóa hãy vào danh bạ thế giới mà tra tên DN của người ta thì biết ngay bao nhiêu DN trên thế giới được đặt tên theo tên danh nhân, tên những người cao quý, đáng kính mà họ muốn noi theo.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều người cũng cho rằng ở góc độ nào đó, việc dùng tên danh nhân để đặt tên cho DN cần được xem là sự trân trọng của DN đối với lịch sử. Có thể cấm DN sản xuất kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây hiểu lầm, phản cảm đối với một danh nhân nào đó nhưng không thể quy chụp việc đặt tên DN theo tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử.

Thông tư có 4 điều, trong đó có hai điều liệt kê các điều cấm khi đặt tên, nhưng cả hai điều này đều được thêm vào các quy định theo mẫu “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Khi đó, người thực thi sẽ không thể xác định được đâu là giới hạn của điều cấm đoán. Liệu rằng sắp tới đây, để tránh những câu chuyện dở khóc dở cười khi đặt tên DN, Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục ra các văn bản mới hướng dẫn để thông tư có tính khả thi?

MAI AN

Tin cùng chuyên mục