Cần nhiều chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng “xanh”

Cần nhiều chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng “xanh”

Sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường (VLXD “xanh”) trong các công trình xây dựng giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng. Chính vì thế, Việt Nam đang đẩy mạnh việc phát triển những loại VLXD “xanh” đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững với ngày càng nhiều các công trình “xanh”, các khu đô thị sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, tốc độ xây dựng trên cả nước, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TPHCM ngày một tăng. Thống kê từ Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2014, TP đã cấp hơn 207.000 giấy phép xây dựng với tổng diện tích hơn 45 triệu mét vuông sàn xây dựng, tăng 57,4% số giấy phép xây dựng và 32,4% diện tích sàn so với giai đoạn 2005 - 2009. Theo đó, TPHCM là địa phương có số lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn. Nhằm định hướng phát triển lĩnh vực VLXD đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, năm 2011, UBND TP đã phê duyệt Quy hoạch phát triển VLXD TPHCM đến năm 2020. Trong đó, TP đã định hướng phát triển VLXD công nghệ hiện đại; chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật; vật liệu mới, thân thiện môi trường; hướng đến phát triển lĩnh vực VLXD hiện đại, là một ngành kinh tế mạnh của TPHCM.

Các công trình xây dựng bằng vật liệu xây dựng “xanh” giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh: HUY ANH)

Đại diện Sở Xây dựng TP cho biết, để đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng các sản phẩm, hàng hóa VLXD “xanh” và mở rộng thị trường sản phẩm xây dựng “xanh”, thời gian qua, Sở Xây dựng đã tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung truyền thống nhằm tránh tác động xấu đến môi trường. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng trên địa bàn TP. Kết quả trong năm 2014, trên địa bàn TPHCM có 179 dự án, công trình sử dụng VLXKN, với nhiều loại hình đa dạng như trụ sở hành chính, khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư, trường học, trạm y tế có quy mô từ 1 đến 55 tầng. Mặc dù con số này chưa phải là lớn so với số lượng công trình xây dựng trên địa bàn TP nhưng đây cũng là bước phát triển tích cực trong việc sử dụng VLXKN. Từ các dấu hiệu tích cực của thị trường, số lượng cơ sở sản xuất VLXKN cũng tăng lên 17 cơ sở (chủ yếu là sản xuất gạch xi măng - cốt liệu, sản phẩm tấm thạch cao và tấm panel cách nhiệt) so với năm 2010 chỉ có 4 cơ sở.

Ngoài ra, TP cũng rất quan tâm đến các yếu tố về môi trường, sinh thái trong quá trình sản xuất, kinh doanh VLXD và ngay cả trong sản phẩm VLXD. TP đã có những quy định hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là những nguồn không thể tái tạo. Tận dụng tái chế, tái sinh những phế phẩm trong sản xuất và sản phẩm VLXD không chứa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và môi trường.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Sở Xây dựng TP cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong phát triển VLXD “xanh”. Theo kết quả sơ bộ của Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn TPHCM, đa phần các DN có trình độ công nghệ sản xuất VLXD chưa tiên tiến, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại. Các DN chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sinh thái, sử dụng nguyên liệu tái chế, tái tạo. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là các DN khó khăn về vốn đầu tư, trong khi đó hiện nay vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các DN phát triển VLXD “xanh”.

Thêm ưu đãi cho VLXD “xanh”

Để đẩy mạnh phát triển VLXD “xanh” để đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập với xu hướng phát đô thị “xanh” thì việc ban hành các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các DN đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng hoạt động sản xuất VLXD “xanh” là rất cần thiết. Hiện Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định mới về Quản lý VLXD. Theo dự thảo vừa công bố chính thức tuần qua, Bộ này đã kiến nghị thêm nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất, phát triển VLXD “xanh”. Dự thảo nêu rõ Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ sản xuất VLXD mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư, sản xuất VLXD thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển VLXD. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh VLXD sử dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt để làm nhiên liệu, nguyên liệu. Cụ thể, đối với những dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh những chính sách khuyến khích DN phát triển VLXD “xanh”, dự thảo cũng quy định về các hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD nhằm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Dự kiến trong tháng 12-2015, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới, thay thế Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý VLXD.

HUY PHAN

Tin cùng chuyên mục