Cần phương cách kiểm soát việc tuyển vượt chỉ tiêu

Thông tư 06 có nhiều điều kiện rất khó để các trường thực hiện đúng, nhất là việc tăng điều kiện để xác định chỉ tiêu ...
Đến nay, các trường đại học (ĐH) đã hoàn thành công bố đề án tuyển sinh năm 2018 và công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để thí sinh chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký xét tuyển (từ ngày 1 đến 20-4). Tuy nhiên, nhìn vào việc xác định chỉ tiêu của các trường theo Thông tư 06/2018 của Bộ GD-ĐT thì không có nhiều thay đổi, trong khi tiêu chí diện tích sàn xây dựng bình quân trên một sinh viên lại rất hiếm trường đạt được.   
Nâng điều kiện xác định chỉ tiêu  
So với các thông tư trước đây (Thông tư 57, Thông tư 32), Thông tư 06 chỉ quy định 2 tiêu chí: (1) Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi tương ứng với 7 khối ngành. Với khối ngành đào tạo giáo viên, số lượng sinh viên giảm từ 25 (Thông tư 32) xuống còn 20 sinh viên/giảng viên và hệ số giảng viên có trình độ ĐH chỉ còn 0,3 (Thông tư 32 là 0,5).
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên cao đẳng (CĐ), trung cấp sư phạm chính quy trên một giảng viên quy đổi không vượt quá 25; (2) Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy không thấp hơn 2,8m2 (Thông tư 32 chỉ ở mức 2,5m2). Ngoài ra, Thông tư 06 cho phép các trường được sử dụng giảng viên thỉnh giảng (từ trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu. Thông tư 06 cũng quy định thêm điểm mới. Đó là, với các ngành, các trường đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng (của các tổ chức kiểm định theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục ĐH) được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó.
Cần phương cách kiểm soát việc tuyển vượt chỉ tiêu ảnh 1 Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức
Những ngành triển khai theo Đề án thực hiện cơ chế đặc thù thí điểm đào tạo nhân lực ngành Du lịch và Công nghệ thông tin trình độ ĐH giai đoạn 2017-2020, và các ngành thực hiện cơ chế đặc thù khác (nếu có), thì xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của cơ chế đặc thù trong thời gian quy định. Trong khi đó, đối với trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).
Theo ông Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing (TPHCM), Thông tư 06 có nhiều điều kiện rất khó để các trường thực hiện đúng, nhất là việc tăng điều kiện để xác định chỉ tiêu như trên. 
Cảnh báo khai khống, vượt chỉ tiêu
Trong năm 2017, Bộ GD-ĐT tổng rà soát tại hơn 200 trường về các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, quy mô sinh viên. Kết quả, hàng loạt trường có 30% - 64% giảng viên trình độ ĐH (trong khi Luật Giáo dục ĐH quy định giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên); rất nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng không đạt quy định. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng thanh tra nội dung tuyển sinh thì ghi nhận nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu. 
PGS-TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng: “Bộ GD-ĐT phải mạnh tay hơn đối với những trường thường xuyên tuyển vượt chỉ tiêu, như phải công khai để dư luận biết, phải xử phạt theo đúng các quy định hiện hành, chứ không thể thanh tra xong rồi đâu lại vào đó. Bên cạnh đó, cần đặt điều kiện các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng có hợp đồng từ năm 2016 và 2017, để tránh tình trạng các trường lạm dụng việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng để tăng chỉ tiêu (theo Thông tư 06)".
Còn ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng: “Việc xác định chỉ tiêu năm 2018 gắn chặt với nội dung kiểm định chất lượng và các điều kiện kèm theo. Do đó, công tác kiểm định phải khách quan để tạo sự công bằng giữa các trường, tránh có kẽ hở để các trường khai khống, khai man để tuyển vượt chỉ tiêu so với điều kiện thực tế”.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng băn khoăn khi sẽ có trường “ăn gian” điều kiện giảng viên thỉnh giảng, vì hiện nay phần mềm kiểm soát của Bộ GD-ĐT hoàn toàn không thể phát hiện được các trường thực tế có bao nhiêu giảng viên thỉnh giảng.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn thuộc khối ngành kinh tế tại TPHCM thừa nhận: “Nếu áp dụng đúng Thông tư 06 thì chắc chắn rất ít trường đạt được. Điều này đã minh chứng bằng việc hàng loạt trường công lập bị phát hiện tuyển vượt chỉ tiêu khi áp dụng Thông tư 57, Thông tư 32 trước đây”.
Do đó, vị này cho rằng Bộ GD-ĐT cần tính toán hợp lý và có lộ trình nâng điều kiện xác định chỉ tiêu. Hơn nữa, mức học phí rất thấp hiện nay (không tính các trường công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của giảng viên, từ đó các trường phải tuyển vượt chỉ tiêu là khó tránh khỏi.
Nhìn từ thực tế, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thẳng thắn cho rằng: “Tuyển vượt chỉ tiêu vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Song, để kiểm soát việc tuyển vượt chỉ tiêu, trước hết phải ổn định quy chế tuyển sinh. Thứ hai là phải xem chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là chỉ tiêu bình quân 3 - 5 năm. Miễn sao trong thời gian đó chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá quy mô đăng ký. Bởi thực tế có năm tuyển dư, có năm tuyển thiếu. Ngoài ra, từ đầu vào đến đầu ra có sự hao hụt 10% - 15% sinh viên, do bị buộc thôi học, bỏ học”.

Tin cùng chuyên mục