Cần quản chặt kinh doanh thực phẩm trên “chợ mạng”

Do tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, các “chợ mạng” đang trở thành nơi trục lợi của những đối tượng buôn bán hàng thực phẩm kém chất lượng. Họ thường xuyên thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên môi trường mạng.
Thực phẩm bán tràn lan qua mạng với nhiều mức giá khác nhau
Thực phẩm bán tràn lan qua mạng với nhiều mức giá khác nhau

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

 Hai năm nay, việc buôn bán thực phẩm, hàng tiêu dùng trên các “chợ mạng” gồm sàn thương mại điện tử, mạng xã hội (Zalo, Facebook…) đã nở rộ. Bởi lẽ, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cửa hàng, điểm kinh doanh cố định thay vì bán hàng trực tiếp đã chuyển qua online để vừa tiết giảm chi phí hoạt động vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Các chuyên gia đánh giá, việc kinh doanh theo hình thức trực tuyến một mặt tạo thuận tiện cho cả người bán lẫn người mua nhưng mặt khác cũng dẫn tới tình trạng thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra 2.493 vụ, xử lý 1.472 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm và xử phạt hành chính với số tiền 5,9 tỷ đồng. Nhìn chung, hàng hóa trong các vụ vi phạm rất đa dạng, từ bột ngọt, thịt heo, mỡ heo… cho tới bánh kẹo và đa số các hàng hóa này đều được sản xuất nhằm kinh doanh trên môi trường online. 
Chỉ ra nguyên nhân thực phẩm kém chất lượng phổ biến trên các “chợ mạng”, lực lượng quản lý thị trường cho hay, mặc dù cửa hàng trên mạng xã hội khi kinh doanh các sản phẩm thực phẩm thường luôn cam kết về nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản nhưng thực tế rất khó để cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện này. Và như vậy, người mua chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào lời quảng cáo cũng như sự trung thực của người bán, mặc dù không phải người bán nào cũng giữ đúng cam kết. Chưa kể, cái khó hiện nay của lực lượng chức năng là theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây. Chính điều này đang tạo kẽ hở trong việc phát hiện sớm những vụ việc vi phạm.

Cần thêm chế tài xử lý

Để có thể quản lý hiệu quả đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm online, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp giám sát việc kinh doanh thực phẩm trên môi trường số. Đồng thời, cần có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên, liên tục đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường, nhất là trên môi trường số. Bên cạnh đó, cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để bảo đảm tính răn đe, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Liên quan vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, sẽ đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cục cũng sẽ rà soát, phân loại, kiểm soát các website thương mại điện tử, nhất là các ứng dụng kinh doanh thực phẩm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Cùng với những biện pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, người dân cũng cần cẩn trọng trong việc chọn lựa các địa chỉ mua hàng. Cụ thể, người tiêu dùng nên mua hàng ở các địa chỉ uy tín, vừa an tâm về chất lượng, vừa có cơ sở xử lý hậu mãi nếu không may xảy ra sự cố không đảm bảo an toàn.

Tin cùng chuyên mục