(SGGPO).- Sáng 12-7, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với UBND thành phố. Một nội dung được nhiều đại biểu HĐND thành phố lần này chất vấn là hiện trạng xây dựng, quản lý, sử dụng các công viên, hồ trên địa bàn thành phố; trách nhiệm của các cấp trong vấn đề này.
Đáng lưu ý có dự án hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) bắt đầu thực hiện từ cách đây hơn 20 năm nhưng nay vẫn còn dang dở; công viên Tuổi trẻ được coi là “công trình trọng điểm của thành phố” đã 10 năm nay cũng chưa hoàn thành, chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Một số công trình xây dựng sai phép trong công viên Thủ Lệ tuy đã được xác định phải kiên quyết dỡ bỏ từ năm 2007 nhưng hiện vẫn tồn ctại. Công viên Hòa Bình vừa được khánh thành trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nay đang bị “vây bọc” bởi lều quán nhếch nhác, nhiều hạng mục xuống cấp…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi công nhận tình trạng xuống cấp, bị lấn chiếm, đầu tư dang dở… ở nhiều nơi là có. UBND thành phố đã nghiêm túc nhắc nhở các cấp ngành, quận, huyện, chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước. “Thành phố sẽ kiên quyết thực hiện giải tỏa các công trình lấn chiếm, đẩy nhanh tiến độ tái định cư, giải tỏa mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Khôi hứa.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam “vặn” lại: “Sai phạm ở vườn thú Thủ Lệ cũng đã được xác định là xử lý triệt để 4-5 năm nay, tại sao vẫn còn”? Nêu lại câu chuyện EVN định “rào” hồ Hoàn Kiếm bằng công trình bê tông kiên cố, hoành tráng, ông Nam bức xúc: “Nếu trước đây công luận không làm quyết liệt thì hồ Hoàn Kiếm đã bị “ao hóa”. Giờ đây hồ Thành Công cũng đứng trước nguy cơ này, đầu tiên là với tòa nhà PVN lừng lững. Theo tôi biết, còn vài công trình nữa cũng đang đề nghị thay đổi quy mô, nâng độ cao, tăng mật độ xây dựng”.
Đáp lời ông Nam, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho biết, quy hoạch hồ Thành Công đã được phê duyệt từ năm 2004; cơ bản vẫn được thực hiện đúng. “Tòa nhà PVN trước đây dự kiến xây dựng khách sạn 5 sao của chủ đầu tư Hàn Quốc, đã thi tuyển kiến trúc và xây dựng đúng phương án, sau đó nhà đầu tư rút thì PVN tiếp quản đúng như thế. Một số công trình khác đang xin điều chỉnh, chúng tôi đang xem xét, nhưng tinh thần là sẽ giữ quy mô, chiều cao; không làm tăng mật độ xây dựng”.
Đặc biệt, công viên Tuổi trẻ được rất nhiều đại biểu HĐND Hà Nội quan tâm. “Không muốn, nhưng tôi buộc phải so sánh với TPHCM, họ đã có nhiều công viên xã hội hóa hoạt động rất thành công, thu hút được nhiều khách du lịch. Trong khi công viên Tuổi trẻ 10 năm nay được xác định là “công trình trọng điểm” mà vẫn chưa xong, xã hội hóa không thành công; đất liên doanh liên kết sử dụng không phù hợp quy hoạch, thậm chí chủ đầu tư có nhiều sai phạm. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính vẫn tạm tính mãi đến bao giờ?”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn.
Nhiều đại biểu khác của HĐND Hà Nội chia sẻ quan điểm với bà Mai về việc buông lỏng quản lý công viên; yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý chung và phối hợp giữa các sở ngành thành phố.
Kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh, để hiện thực hóa Quy hoạch chung phát triển Thủ đô với chỉ tiêu phấn đấu đạt bình quân 10-15m² cây xanh mặt nước/người vào năm 2030; thực sự trở thành “thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; UBND thành phố Hà Nội cùng các sở ngành cần rà soát lại quy hoạch các công viên và từng công viên theo hướng không điều chỉnh tăng mật độ xây dựng; có kế hoạch với tiến độ, giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản và có chế tài thích hợp với những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ…
ANH PHƯƠNG
>> Hà Nội: Giữ 92.000 ha đất lúa