Việc Bộ GD-ĐT quyết định đổi mới phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2014 nhưng vẫn tiếp tục lấy ý kiến nhiều vấn đề xung quanh phương án thi đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh xã hội hoang mang vì có quá nhiều bàn luận. Những ai liên quan và quan tâm đến kỳ thi này chỉ mong muốn Bộ GD-ĐT quyết sớm để học sinh, các trường yên tâm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Đây cũng là quan điểm của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
- PHÓNG VIÊN: Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến nhiều vấn đề như dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT, 4 phương án bố trí lịch thi tốt nghiệp. Dư luận cũng như các chuyên gia có rất nhiều ý kiến góp ý khác nhau khiến xã hội khá hoang mang vì quá nhiều ý kiến trao đi đổi lại. Ông nhận xét về điều này ra sao?
>> Ông ĐÀO TRỌNG THI: Tôi đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT đã khẩn trương, chủ động, tích cực trong việc đổi mới thi cử theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bộ cũng đã rất tích cực công bố thông tin về đổi mới giáo dục. Nhưng tôi cho rằng, cách làm của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua khi cứ đưa những thông tin chưa được cân nhắc kỹ lưỡng, công bố lên để lấy ý kiến xã hội sẽ gây hoang mang dư luận. Việc lấy ý kiến là tốt nhưng lấy ý kiến rộng rãi quá, trong thời gian dài thì chưa chắc đã hiệu quả, thậm chí gây áp lực cho phụ huynh, học sinh. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án trước khi đưa ra lấy ý kiến. Bộ cũng cần kiên trì phương án đổi mới của mình hơn, không nên đưa ra để dư luận trao đổi dài, làm dư luận mất định hướng. Vì thế, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm cách làm về đổi mới tốt nghiệp trong thời gian qua.
- Thưa ông, lại có ý kiến cho rằng, chính vì mọi thay đổi trong lĩnh vực giáo dục đều liên quan thiết thân đến từng gia đình nên càng phải có ý kiến nhiều chiều để có phương án hoàn hảo nhất?
Tôi đồng ý là phải lấy ý kiến dư luận nhưng phải có thái độ quyết đoán. Việc lấy ý kiến cũng phải có trọng tâm trọng điểm, có khoanh vùng đối tượng lấy ý kiến. Đừng kéo dài thời gian để xã hội bàn tán, phân tâm. Vì thế, với việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này Bộ GD-ĐT cần quyết sớm để có thời gian cho các trường, học sinh chuẩn bị.
Quan trọng nhất là khâu chuẩn bị, vì phương án đổi mới có tốt đến đâu mà ít thời gian để chuẩn bị, thực hiện thì cũng khó thành công. Càng lấy ý kiến nhiều chỉ càng làm những người trong cuộc mệt mỏi. Vì như tôi biết, đến thời điểm này, ngoài việc chốt phương án đổi mới thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, các văn bản hướng dẫn, lịch thi tốt nghiệp thì cũng còn đang bàn luận tới 4 phương án. Cần xác định là không phải cứ chốt phương án đổi mới là xong.
- Vậy theo ông, để lấy ý kiến một cách trọng tâm nhất, hiệu quả nhất thì Bộ GD-ĐT cần làm theo cách nào?
Một vấn đề mà để trao đi đổi lại nhiều quá càng khó tiếp thu. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên tiếp thu ở dạng khác. Thực tế thời gian qua, khi lấy ý kiến về các vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp có quá nhiều ý kiến, nhiều người góp ý mà còn chưa hiểu điều mình góp ý. Những vấn đề này nên chú trọng lấy ý kiến các chuyên gia, những người trực tiếp làm trong ngành giáo dục, đừng để phụ huynh, học sinh cứ phải nghe quá nhiều ý kiến bàn luận gây hoang mang. Tôi đánh giá cao sự minh bạch của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua, nhưng vẫn có cảm giác việc lấy ý kiến về phương án đổi mới thi cử của bộ hơi quá đà. Đừng để xã hội có ý nghĩ bộ đang đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ chỗ hạn chế thông tin sang quá cởi mở thông tin, chuyển trách nhiệm lựa chọn phương án cho xã hội.
- Việc lấy môn ngoại ngữ thành môn tự chọn, bỏ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh là quyết định của bộ sau khi lấy ý kiến. Đó chính là hiệu quả của việc lấy ý kiến thời gian qua, thưa ông?
Tôi rất ủng hộ thi tốt nghiệp 4 môn. Nhưng cá nhân tôi thì lại không ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT khi chọn môn ngoại ngữ thành môn tự chọn, bỏ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh. Tôi thích dự kiến trước đó của bộ khi coi ngoại ngữ là môn thi khuyến khích cộng điểm học sinh. Mọi người sợ nếu để ngoại ngữ là môn thi khuyến khích cộng điểm thi học sinh sẽ không học, nhưng tôi sợ khi thành môn tự chọn thì học sinh còn lơ là học ngoại ngữ hơn, nhất là ở nông thôn. Bởi lẽ, nếu là môn tự chọn thì một khi học sinh đã không chọn các em sẽ không học, ở đô thị có thể học sinh chọn thi ngoại ngữ nhiều nhưng ở nông thôn chắc chắn rất ít.
Còn nếu là môn thi khuyến khích thì dù không chọn thi nhưng có thể các em sẽ thi thêm môn đó để được cộng điểm. Do vậy, tôi lo là khi quyết định ngoại ngữ là môn tự chọn thì sẽ khiến nhiều học sinh không học ngoại ngữ. Tương tự việc ban đầu Bộ GD-ĐT định miễn thi cho 20% học sinh nhưng sau đó lại quyết định không miễn thi theo tôi là điều đáng tiếc. Thực tế nhiều năm qua thi tốt nghiệp đỗ từ 95% - 98% thì theo tôi còn có thể miễn thi nhiều hơn con số 20%. Ý tưởng miễn thi là rất tốt, bởi điều đó là tiền đề để sau này chúng ta tiến tới làm cho kỳ thi này trở lên nhẹ nhàng hơn, có thể không còn là kỳ thi chung quốc gia nữa mà chỉ còn là kỳ thi do các địa phương đảm trách, không còn sức ép như hiện nay.
- Tóm lại, theo ông Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng ngã ngũ mọi vấn đề về đổi mới thi cử để xã hội yên tâm, các cơ sở giáo dục và học sinh kịp thời gian chuẩn bị?
Đúng vậy. Tôi ủng hộ phương án Bộ GD-ĐT đã chọn, Bộ cần triển khai thực hiện sớm. Đừng để những sai sót về mặt kỹ thuật (do thời gian chuẩn bị quá ít) làm ảnh hưởng đến kết quả của một chủ trương. Đơn cử như tôi cho rằng không nên hỏi ý kiến về lịch thi tốt nghiệp nữa, về quy chế thi tốt nghiệp THPT. Thời gian bây giờ là vàng.
LÂM NGUYÊN