Cần sự cảm thông từ phía phụ huynh

Tai nạn hay thương tích đối với trẻ em trong quá trình học tập, vui chơi trong trường học là điều không giáo viên (GV) nào mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, do lứa tuổi học sinh là lứa tuổi hiếu động, hay nghịch phá nên những rủi ro kiểu chạy, nhảy, đùa giỡn với nhau dẫn đến té, gây ra những thương tích không đáng có là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trách nhiệm trước hết đương nhiên thuộc về nhà trường và thầy, cô giáo có nhiệm vụ chăm nom, quản lý các em. Chuyện đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có những tai nạn xảy ra với học sinh mà GV và nhà trường gần như không thể đoán định trước vì sự hiếu động của các em, thì rất cần sự cảm thông và chia sẻ từ phía phụ huynh hơn là sự áp đặt trách nhiệm, gây áp lực với GV và nhà trường.

Mới đây một hiệu trưởng trường mầm non đã gọi điện cho tôi khóc hết nước mắt, nhờ tư vấn giải pháp, tháo gỡ áp lực khủng khiếp cho GV và nhà trường vì tai nạn đáng tiếc xảy ra với một học sinh. Sự việc khiến tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều nên quyết định về trường. Nhìn cảnh GV phụ trách lớp và hiệu trưởng khóc sướt mướt, bế tắc trong xử lý vụ việc đến… bấn loạn vì áp lực phụ huynh gây ra, tôi tin họ không bao giờ mong muốn điều này xảy ra với học sinh mình. Tai nạn ngoài ý muốn ấy, không chỉ cho thấy áp lực kinh khủng mà đội ngũ GV ngày nay phải đối mặt, mà nó còn chỉ ra sự bất công, vô cảm đến thiếu tình người từ không ít phụ huynh dành cho họ.

Theo lời cô giáo phụ trách lớp, trong giờ chơi, một nhóm em học sinh lớp lá vào nhà tắm đùa giỡn, không may một em bị trượt chân té khi giành nhau cục xà bông dẫn đến gãy tay. Tai nạn bất ngờ trên dù phía nhà trường, phòng giáo dục hết lòng chăm sóc và chia sẻ với gia đình. Nhưng đổi lại việc gây áp lực đến căng thẳng từ phía phụ huynh, họ không tiếp bất cứ ai, từ ban giám hiệu nhà trường đến lãnh đạo phòng giáo dục, mà chỉ chăm chăm làm duy nhất một động tác gửi đơn kiện tứ tung đến các báo, làm đơn kiện nhà trường ra tòa. Họ tuyên bố sẽ khiến cho nhà trường phải đóng cửa, bắt GV và nhà trường phải trả giá. Sự “hung hăng” đến mức khó hiểu của bậc phụ huynh trên thật sự khiến đội ngũ cán bộ quản lý phòng giáo dục, GV, ban giám hiệu ngôi trường ấy chỉ còn biết… chịu trận vì không cách nào hòa giải.

Vẫn biết rằng, “của đau - con xót”. Bậc làm cha, làm mẹ nào khi thấy con mình như thế không ai không xót. Nhưng bất chấp nguyên nhân gây ra tai nạn của con em mình, bất chấp lý lẽ, thành ý và trách nhiệm của nhà trường với học sinh, để đẩy họ đến con đường… không hướng giải quyết là điều không thể chấp nhận. Bản thân những người đã chọn nghề giáo để dấn thân và cống hiến, có thể khẳng định không ai không tâm huyết và yêu nghề, yêu trẻ. Chẳng ai lại mong muốn những điều không hay xảy đến với học sinh mình. Vì thế, khi có những rủi ro ngoài ý muốn, hơn ai hết chính các bậc phụ huynh phải là người biết cảm thông và chia sẻ với GV và nhà trường, giúp họ vơi bớt đi tâm trạng có lỗi của người chịu trách nhiệm thay vì gây áp lực, để họ còn có động lực, đam mê cống hiến và theo nghề.

Tổ trưởng tổ mầm non của phòng giáo dục trên tâm tư: Chính vì áp lực khủng khiếp của nghề giáo trong thời đại hiện nay, khiến nhiều GV nản, phải bỏ nghề. Thực tế, không ít phụ huynh ngày nay hễ đụng chuyện một chút (dù nhỏ hay to) là ngay lập tức họ lôi báo chí vào cuộc để làm áp lực với GV và nhà trường. Họ ý thức được sức mạnh và tiếng nói của các cơ quan truyền thông, nên lấy đó làm “luật” để ép buộc nhà trường phải làm hoặc đàm phán theo mục đích riêng của họ. Nhiều GV chỉ sơ suất một chút trong quản lý, chăm sóc các cháu ngay lập tức phải chịu áp lực kinh khủng từ phía phụ huynh rồi bị sa thải hoặc bỏ nghề. Nhiều GV bỏ nghề vừa khóc vừa nói với hiệu trưởng: “Em biết nghề giáo căng thẳng và áp lực như thế này, hồi đó em đã không theo học”.

Từ những tâm sự rất thật và từ vụ việc thực tế trên, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần chia sẻ và cảm thông nhiều hơn với trách nhiệm và áp lực công việc hiện nay của đội ngũ GV và nhà trường. Đừng vì sự cay cú, bực tức khi tai nạn rủi ro ngoài ý muốn xảy ra với con mình, rồi làm mọi cách gây áp lực khiến GV phải bỏ việc, trường học phải chịu kỷ luật, thậm chí đóng cửa (nhóm trẻ tư thục). Bởi nếu ai (phụ huynh) cũng gay gắt và cực đoan như thế, thử hỏi còn mấy người dám dấn thân với nghiệp trồng người, chăm trẻ?  

ANH TÚ

Tin cùng chuyên mục