Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới khi nước biển dâng cao. Tuy vậy, theo thông tin của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), chỉ khoảng 5% dân số Việt Nam biết về biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam đã và đang rất nỗ lực trong việc thích ứng với các ảnh hưởng của BĐKH nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để thích ứng, nhất là trong các lĩnh vực lập kế hoạch, tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng.
Nhận thức còn chung chung
Chương trình “Vượt qua thử thách, chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu”thực hiện vào đầu tháng 2 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC14 đã được lãnh đạo Bộ TN-MT và các chuyên gia giải đáp những thắc mắc liên quan đến những chính sách và những hành động của Việt Nam trong chống BĐKH. Tuy nhiên nhận thức của cộng đồng còn chưa sâu. Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà.
Hiện người dân thường chỉ nhìn BĐKH từ góc độ của mưa bão, lũ lụt, còn những tác động khác lớn hơn rất nhiều của BĐKH thì không được chú ý đến. Nguyên nhân của BĐKH chính là do các hoạt động của con người như sử dụng các nguồn nhiên liệu quá mức, tàn phá rừng; các hoạt động kinh tế đều dẫn đến gia tăng nồng độ các khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển, làm trái đất nóng lên, gây BĐKH toàn cầu. Do vậy, người dân phải nhận thức được điều này và cần trang bị kỹ năng chung tay chống BĐKH như phải biết tiết kiệm năng lượng trong nhà, tiết kiệm tài nguyên…
Liên quan đến thắc mắc tại sao trên thế giới có hơn 200 quốc gia chịu sự tác động của BĐKH mà Việt Nam lại đặc biệt được quan tâm, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Vì Việt Nam là vựa lúa lớn, đóng góp một lượng lớn lương thực cho thế giới. Việt Nam cũng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm chung tay góp sức với cộng đồng thế giới giải quyết thách thức này”. Việt Nam cũng như tất cả quốc gia đang đứng trước thách thức chung là BĐKH, với điều kiện tự nhiên của Việt Nam thì thách thức này được đánh giá là trầm trọng hơn. Những tác động của BĐKH như nhiệt độ tăng, nước biển dâng… cộng với tính dị thường, cực đoan của thời tiết làm công tác dự báo khó khăn, tác động lên việc hoạch định chính sách về tài nguyên môi trường. Nhất là tài nguyên nước ngọt. BĐKH làm ảnh hưởng đến hầu hết nhân dân, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, TPHCM. Nó tác động đến việc thiếu nước ngọt, tác động này lâu dài sẽ trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tài nguyên nước, lương thực và năng lượng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN-MT cho biết, hiện Nhà nước đã ban hành về chiến lược tổng thể về BĐKH để hạn chế tác hại của BĐKH và tận dụng tác động tích cực của BĐKH. Các văn bản pháp luật về BĐKH cũng đã có, Việt Nam đang dần hình thành hành lang pháp lý về đối phó với BĐKH. “Nếu cách đây 10 năm chúng ta chưa nhận thức và thông tin nhiều về BĐKH nhưng nay thông tin đã rộng rãi. BĐKH là sự ấm lên toàn cầu, nói như vậy không có nghĩa chúng ta không có mùa đông mà là nhiệt độ rộng hơn, mùa hè có thể nóng hơn, mùa đông có thể lạnh hơn” - TS Nguyễn Văn Tài cho hay.
Người dân có thể đóng góp ý kiến
Với những tác động của BĐKH đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam hiện nay cho thấy nước ta cần phải có những hành động ứng phó ở mức cao nhất, đó là cấp quốc gia nên Bộ TN-MT được giao xây dựng Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường” để trình Hội nghị trung ương 7 khóa XI vào tháng 5 tới. đề án có 3 vấn đề lớn: đánh giá tình hình nguyên nhân; nói về chủ trương giải pháp cùng đề cập nhóm nội dung nhận thức về BĐKH, tài nguyên môi trường, giải pháp về chính sách, luật pháp, bộ máy; nói về việc tổ chức thực hiện. đề án tập trung về BĐKH và nhiều hiện tượng biến đổi trên thế giới từ đó sẽ đưa ra định hướng về nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với bối cảnh chung. Hiện nội dung trọng tâm các nhà khoa học quan tâm và đóng góp ý kiến là làm sao để đề án đánh giá đúng tình hình, sát với địa phương và từng lĩnh vực bị ảnh hưởng, từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đến án này, Ban Chấp hành trung ương dự kiến ban hành văn bản định hướng về biến đổi khí hậu trong cấu trúc tăng trưởng mới của đất nước.
Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng - Thủy văn và BĐKH cho rằng, đây là một đề án lớn nên cần có ý kiến đóng góp của người dân để có được một đề án chất lượng trình lên Ban chấp hành trung ương. “Dự thảo đề án được đăng tải ở trang web của Bộ TN-MT và Cổng thông tin điện tử Chính phủ, độc giả nào quan tâm có thể nghiên cứu và đóng góp qua kênh này hoặc số điện thoại được công khai tại các trang web đó” - ông Thành cho biết.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá đề án này có tầm quan trọng chiến lược vì trước đây việc đối phó với BĐKH đã được đề cập trong nhiều văn bản khác nhau, nhưng chưa khi nào được đưa vào nhiều vấn đề với nội dung rộng lớn và đồng bộ như lần này. “Những tác động của khí hậu hay tính dị thường của thời tiết cũng đều được tính đến trong đề án. Nếu đề án được thông qua và ban hành sẽ giải quyết vấn đề lớn của đất nước, chủ động ứng phó với thách thức có tính toàn cầu như thế này, chúng ta cũng sẽ có cơ hội lựa chọn mô hình phát triển, đi theo xu hướng của thời đại, phát triển kinh tế bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh” - Thứ trưởng nói.
HÀ PHƯƠNG