Để nguồn nhân lực không lãng phí

Cần sự hợp tác giữa đào tạo - tuyển dụng

Lãng phí nguồn nhân lực trẻ
Cần sự hợp tác giữa đào tạo - tuyển dụng

Trang Lao động - Việc làm Báo SGGP gần đây có đăng bài “Sinh viên ra trường gian nan tìm việc” đề cập đến việc các tân cử nhân ra trường chấp nhận làm những việc trái ngành, trái nghề được đào tạo. Để có thông tin đa chiều, chúng tôi tiếp tục tổng hợp các ý kiến của bạn đọc, đại diện cơ sở đào tạo và doanh nghiệp xung quanh vấn đề này…

Các tân cử nhân tìm việc tại ngày hội việc làm ĐH Bách khoa TPHCM.

Các tân cử nhân tìm việc tại ngày hội việc làm ĐH Bách khoa TPHCM.

Lãng phí nguồn nhân lực trẻ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, việc sinh viên ra trường phải làm những việc không đúng với ngành mình đã được đào tạo là lãng phí nguồn nhân lực trẻ. Ông nói: Đứng về phía nhà tuyển dụng, chúng tôi cho rằng hiện nay nhà trường vẫn đang đào tạo theo kiểu ai học đủ môn, đủ tín chỉ, đủ điểm và đóng đủ học phí sẽ được cấp bằng chứ chưa quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cần xác định hướng đào tạo của mình, theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng.

Sinh viên hiện nay, nếu được hỏi, cũng lơ mơ không biết thực sự mình đang học theo hướng nào, nghiên cứu chưa đủ tầm, ứng dụng lại không hiệu quả. Hướng đào tạo hiện nay là dàn trải, chung chung, môn nào cũng học lướt qua một ít nhưng không chuyên sâu, vì vậy, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn nếu theo hướng nghiên cứu. Nhiều môn quá tỉ mỉ về lý thuyết nghiệp vụ mà thiếu tình huống thực tế nên phải đào tạo lại để thích nghi với yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên mới tốt nghiệp thường phải được đào tạo lại từ chuyên môn nghiệp vụ, thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động cho đến các kỹ năng cơ bản trong ứng phó và giải quyết các vấn đề thực tiễn của sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, ông Hồ Thành An, chuyên viên tuyển dụng - đào tạo nhân sự Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long, cho rằng, để giải quyết và đưa ra đáp số cho bài toán này, cần thiết phải có sự hợp tác của “3 nhà” (nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng).

Dưới góc độ nhà tuyển dụng và từng làm công tác đào tạo, thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, người lao động, ông An cho rằng: “Nhà trường chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp, chưa chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp để đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Cụ thể hơn là nhà trường chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của từng đối tượng thụ hưởng “sản phẩm” của mình. Điều doanh nghiệp cần ở nguồn nhân lực là phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn “thể lực - trí lực - tâm lực”.

Thực tế hiện nay, rất ít sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ 3 tiêu chuẩn. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Chúng ta có nên đổ lỗi cho sinh viên hay không? Về kỹ năng mềm ở sinh viên, nhiều nhà tuyển dụng đã ngộ nhận và thường đổ lỗi cho nhà trường không đào tạo. Thực chất, nhà trường đã đào tạo kỹ năng mềm thông qua các buổi thảo luận nhóm, các buổi thuyết trình chương trình sinh viên tình nguyện… Thế nhưng thực tế, khi ra trường sinh viên áp dụng những kỹ năng đó không nhiều. Đó là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để đào tạo kỹ năng mềm cho họ.

Gắn kết nhà trường - doanh nghiệp

Làm thế nào để cung – cầu lao động đã qua đào tạo gặp nhau? Câu trả lời là cần có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhưng gắn kết như thế nào lại là điều không dễ. Ông Huỳnh Minh Quân, Tổng Giám đốc NVM Group, đề xuất các đơn vị đào tạo cần tăng cường công tác huấn luyện khả năng tư duy và sáng tạo ngay từ khi còn trên ghế giảng đường.

Theo ông cho biết, có đến ½ sinh viên khi ra trường tự nhận mình là giỏi ngoại ngữ và vi tính nhưng không thể soạn nổi văn bản giao dịch hay hợp đồng kinh tế bằng tiếng Việt (chứ chưa nói tiếng nước ngoài). Học đi đôi với ứng dụng, các doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực có thể tự chủ động trong mọi công việc được giao.

Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc Đào tạo và nhân sự Hoa Sen Group nhìn nhận: Hợp tác giữa doanh nghiệp - nhà trường ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, tuyển dụng. Thẳng thắn nhìn nhận, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường chủ yếu qua việc tài trợ học bổng, nhận thực tập và tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp. Quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng hai bên. Giữa doanh nghiệp và nhà đào tạo chưa có cơ chế hoạt động chung, chủ yếu thiên về hỗ trợ nhau hơn là hợp tác bình đẳng (doanh nghiệp hỗ trợ vật chất, nhà trường hỗ trợ tuyển dụng).

Tuy nhiên, về phía cơ sở đào tạo cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa hợp tác với nhà trường, kể cả việc đơn giản nhất là tạo cơ hội cho sinh viên thực tập. Ông Trương Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp - Hỗ trợ SV (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), dẫn chứng, hàng năm trường phải đưa khoảng 5.000 sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập nhưng cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.

Ông Kiệt đề xuất, các doanh nghiệp cần cùng với nhà trường tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo để tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng chứ không chỉ đơn thuần ở việc trao học bổng. Hiện nhà nước chưa ràng buộc doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp khi sử dụng nhân lực nên việc hợp tác còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả. Còn doanh nghiệp hợp tác với trường chủ yếu theo hướng “tài trợ” chứ không phải nghĩa vụ.

Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho rằng vẫn còn khoảng cách lớn giữa chất lượng đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân do sĩ số sinh viên đông, nhà trường khó đổi mới phương pháp giảng dạy. Người học thụ động, thiếu tư duy sáng tạo, nghiên cứu. Mặt khác, doanh nghiệp luôn yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao nhưng thiếu định hướng, chiến lược về nhân sự.

Ông Hồ Thành An cho rằng, để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cần có quan điểm rõ ràng về sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao; chủ động tích cực trong việc hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo. Còn theo ông Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty NetViet, cơ hội hay rào cản là do mỗi cá nhân tự tạo ra. Nhà trường làm tốt vai trò đào tạo và hướng nghiệp, doanh nghiệp hoàn thiện kỹ năng cho người lao động và sinh viên cần chủ động, tự giác trong học tập và nghiên cứu.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục