Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ

Vừa qua, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (Ban chỉ đạo 389 TPHCM) đã họp sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm 2015.
Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Vừa qua, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (Ban chỉ đạo 389 TPHCM) đã họp sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm 2015.

Theo đánh giá, dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, song hiệu quả từ “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa cao do thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ.

Các lực lượng chức năng tại TPHCM tổ chức tiêu hủy các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lạc Phong

Diễn biến tinh vi, phức tạp

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, gần đây, nhiều hình thức gian lận thương mại qua giá rất tinh vi, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực, loại hình xuất nhập khẩu tương đối mới hoặc phức tạp trong trung thực về thuế suất, chủng loại và giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu. Hình thức gian lận thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cũng tăng cao, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp theo những ngành hàng bị áp thuế chống bán phá, thay vì một số mặt hàng như trước. Hoạt động chống buôn lậu cũng được đẩy mạnh ở tất cả các tuyến cửa ngõ đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường biển. Theo đó, buôn lậu vẫn tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, vải, hóa chất, thiết bị điện tử, điện gia dụng, điện thoại di động, phụ kiện điện thoại…

Trong lĩnh vực hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn biến phức tạp, các hành vi vi phạm của DN diễn ra với các phương thức và thủ đoạn rất tinh vi như: mở tờ khai theo loại hình quá cảng; lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “chọn luồng” để thông quan hàng hóa. Mặt hàng vi phạm tập trung vào các loại hàng tiêu dùng, ô tô các loại, xe gắn máy, phụ tùng ô tô, máy móc công trình, kim khí điện máy, linh kiện điện tử, hàng điện tử cao cấp, nữ trang đá quý, ngoại tệ,…

Điển hình như ngày 15-9 vừa qua, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, kiểm tra phát hiện container chứa 220 bộ máy lạnh, 22 ghế nha khoa, 6 lò sấy tiệt trùng thiết bị y tế, đều đã qua sử dụng, thuộc mặt hàng Nhà nước cấm nhập khẩu. Số hàng nêu trên được nhập khẩu về từ Nhật Bản, gửi cho một công ty TNHH ở quận 3, TPHCM. Trên bảng lược khai hàng hóa kèm theo, thể hiện hàng hóa là máy móc cũ đã qua sử dụng.

Trong lĩnh vực kinh doanh nội địa, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả diễn biến phức tạp gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng. Nổi lên tình trạng nhiều cửa hàng, công ty kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu được vận chuyển vào TPHCM bằng cả đường thủy và đường bộ, các đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn tinh vi. Các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.600 vụ, thu nộp ngân sách trên 9 tỷ đồng, tịch thu trên 1 triệu gói thuốc lá điếu.

Kiểm tra mặt hàng, địa bàn trọng điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, kết quả kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm trong 9 tháng đầu năm đã phản ánh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy vậy, cũng cần nhìn thẳng những mặt yếu kém làm hạn chế hiệu quả hoạt động của công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TPHCM. Cụ thể, trong số 48.787 tổ chức và cá nhân đã ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng gian, hàng giả thì khi kiểm tra 1.194 tổ chức, cá nhân đã phát hiện 847 tổ chức, cá nhân vi phạm (chiếm tỷ lệ hơn 70%), cho thấy việc ký cam kết mới chỉ là phong trào, chưa thực hiện đúng các nội dung đề ra. Việc phối hợp giữa các cơ quan truyền thông và sở, ngành, lực lượng chức năng chưa được đồng bộ như chậm cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, thông tin chưa chính xác, chưa xây dựng chương trình hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả trên sóng truyền hình, các kịch bản văn nghệ tuyên truyền còn ít… Đặc biệt, một số đơn vị thành viên trong Ban chỉ đạo 389 TPHCM như UBMTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Thành đoàn TP, mặc dù được phân công tổ chức các hoạt động vận động, tuyên truyền công tác chống buôn lậu nhưng chưa thực hiện báo cáo kế hoạch triển khai và kết quả thực hiện.

Về kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đồng ý với phương hướng của Thường trực Ban chỉ đạo, trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, cũng như tăng cường các tuyến và địa bàn cần kiểm tra như trung tâm thương mại, chợ đầu mối…

Buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi hệ thống pháp lý để hỗ trợ xử lý còn nhiều chồng chéo, phức tạp. Do vậy, TPHCM xác định, đây là công việc thường xuyên, quyết liệt và phải đi vào chiều sâu. Sở Thông tin - Truyền thông, QLTT, Sở Công thương phối hợp với các báo đài triển khai tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải có những chuyên đề cụ thể, đi sâu vào các nội dung giới thiệu cụ thể cho người dân biết hàng thật - hàng giả. Các đơn vị chức năng rà soát và củng cố lực lượng, trên cơ sở xem xét và luân chuyển nhân lực chống hàng gian, hàng giả cho phù hợp, chú ý phát hiện và đào tạo những cán bộ thực sự có năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng để công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn. Công tác quản lý giá tính thuế sau thông quan, hoàn thuế… là những khâu quan trọng trong việc kiểm tra giám sát thị trường, các đơn vị cần có báo cáo cụ thể về kế hoạch thực hiện cho thường trực Ban chỉ đạo.

TPHCM hiện có 140.000 DN, nếu tính cả các tổ chức, cá nhân là hơn 300.000 đơn vị, Sở Công thương và QLTT cần lên kế hoạch tuyên truyền, vận động để thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm cần có biện pháp xử lý thật nghiêm. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Nếu mỗi sở, ngành, các đơn vị chức năng, UBND các quận, huyện cũng như mỗi cá nhân thực hiện tốt, với ý thức trách nhiệm cao, chắc chắn sẽ phát hiện, xử lý được nhiều hành vi vi phạm, trả lại sự công bằng cho các DN chân chính, bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng, góp phần ổn định an sinh xã hội”.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 15.109 vụ vi phạm, trong đó có 2.680 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 11.962 vụ gian lận thương mại và 467 vụ hàng giả. Trong đó có 2.680 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; gần 12.000 vụ gian lận thương mại và 467 vụ hàng giả. Thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2.333 tỷ đồng (trong đó phạt hành chính trên 715 tỷ đồng, truy thu thuế 1.593 tỷ đồng, bán số hàng tịch thu trên 24 tỷ đồng), khởi tố hình sự 124 vụ, với 140 đối tượng vi phạm.

Tang vật tạm giữ gần 32kg cocaine, 16kg ma túy tổng hợp, 418.586 viên và lọ tân dược gây nghiện, 30kg tiền chất, trên 1 triệu bao thuốc lá ngoại, trên 5.000 chai rượu ngoại, trên 247 tấn đường, 441 tấn thực phẩm đông lạnh, trên 828 tấn hóa chất, gần 400 máy tính xách tay, trên 1.800 máy tính bảng, 7.000 điện thoại di động và điện thoại để bàn…

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục