Cần sự thay đổi

Với sự cho phép của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng dầu ngày 7-7 vừa qua thêm một lần được điều chỉnh và đạt mức cao kỷ lục mới, khi RON 92 có giá 25.640 đồng/lít. Việc tăng giá, theo lý giải của cơ quan quản lý là do giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng ở mức cao, số dư Quỹ bình ổn giá (QBOG) không lớn; doanh nghiệp đang bị lỗ với mỗi lít xăng là 918 đồng. Việc điều chỉnh giá được thực hiện theo đúng quy định với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày theo đúng quy định tại Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Với sự cho phép của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng dầu ngày 7-7 vừa qua thêm một lần được điều chỉnh và đạt mức cao kỷ lục mới, khi RON 92 có giá 25.640 đồng/lít. Việc tăng giá, theo lý giải của cơ quan quản lý là do giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng ở mức cao, số dư Quỹ bình ổn giá (QBOG) không lớn; doanh nghiệp đang bị lỗ với mỗi lít xăng là 918 đồng. Việc điều chỉnh giá được thực hiện theo đúng quy định với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày theo đúng quy định tại Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

 Đây là lần thứ 10 kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng giá tới 1.440 đồng/lít xăng. Cũng theo liên bộ, việc điều chỉnh giá đã được tính toán kỹ theo hướng kiềm chế bằng cách sử dụng linh hoạt QBOG. Nếu không dùng QBOG thì xăng dầu sẽ tăng giá nhiều hơn nữa.

Có thể thấy, cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua của liên bộ đều tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 84 về tần suất điều chỉnh, mức giá điều chỉnh, tính công khai trong công bố số liệu (quỹ, giá thế giới)… kể cả vấn đề vốn gây nhiều thắc mắc là thời gian điều chỉnh giá tại sao thường là khoảng sau 20 giờ (vì không phải giờ cao điểm nên không gây xáo trộn hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân).

Tuy nhiên, điều đó cũng không cho thấy việc điều hành giá xăng dầu hiện nay không tồn tại bất cập, hạn chế. Đó là việc tính giá cơ sở dựa trên chu kỳ lưu thông giá trong 30 ngày nên giá xăng dầu không bám sát các diễn biến thị trường, tăng dễ hơn giảm và hay “lệch pha” với giá thế giới. Hay như vấn đề thuế. Trong cơ cấu giá xăng, mức thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường), chi phí, lợi nhuận định mức… lên tới 9.704 đồng/lít, còn nếu tính riêng thuế là 8.244 đồng/lít. Và từ rất lâu, dường như những khó khăn trong thu ngân sách nên việc sử dụng công cụ bình ổn là thuế không được sử dụng. Dù mức thuế nhập khẩu (18%) chưa đạt trần cho phép (20%) nhưng rõ ràng, với những tác động khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp thì con số 8.244 đồng tiền thuế trên mỗi lít xăng đã tạo gánh nặng không nhỏ cho người tiêu dùng. Một điểm đáng lưu ý trong vấn đề thuế là cuối năm 2012, Bộ Tài chính từng đưa ra dự thảo và lấy ý kiến về quy định barem thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Trong đó, mức thuế sẽ dao động từ 7% - 40% tùy theo giá nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, mức thuế sẽ tối đa 12% nếu giá xăng RON 92 ở mức từ 110 USD/thùng đến dưới 130 USD/thùng. Trong khi đó, mức để tính thuế 18% hiện nay đang áp dụng cho giá xăng RON 92 là hơn 122 USD/thùng. Rõ ràng, nếu dự kiến trên đi vào thực tế thì mức thuế đối với mỗi lít xăng dầu sẽ giảm đáng kể và gánh nặng với người tiêu dùng cũng sẽ vơi đi. Đáng tiếc là kể từ đó đến nay, dự thảo này không còn được thông tin và dư luận cũng không rõ văn bản này đang ở giai đoạn nào?

Trên thực tế, Nghị định 84 đang bộc lộ không ít bất cập trong quá trình thực thi và điều này đã được phản ánh từ năm 2011. Cùng với đó, việc sửa đổi Nghị định 84 cũng đã được bắt đầu cách đây 3 năm nhưng đến nay, thời điểm “chốt hạ” văn bản quan trọng này vẫn chưa được xác định. Tại kết luận mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện dự thảo và cho phép dự thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp được tự quyết mức tăng <3%; tăng từ trên 3% đến <7% phải báo cáo liên bộ; trên 7% phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (hiện nay là Bộ Tài chính); chu kỳ tính giá cơ sở 15 ngày… Nếu nghị định mới ban hành, những bất cập hiện nay có thể sẽ được khắc phục, giá xăng dầu có thể sẽ có nhịp điệu điều chỉnh nhanh hơn, sát với thị trường, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ có khả năng nâng cao… Với một mặt hàng mà việc quản lý, thực thi đang bộc lộ nhiều bất cập nhưng việc sửa đổi vẫn không được đẩy nhanh, cho thấy đang thiếu một chế tài về trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri. Phải chăng, lĩnh vực quản lý thị trường, điều hành giá, kinh doanh xăng dầu đang bị cản trở bởi lợi ích nhóm như một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã từng đề cập?

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục