Cần sửa luật để phù hợp với Hiến pháp tuy nhiên phải cân nhắc

(SGGPO).-  Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tán thành sửa đổi Luật này với nhiều quan điểm tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân như tinh thần của Hiến pháp mới, tuy nhiên nhiều ĐBQH cũng cho rằng, cần hết  sức thận trọng trong nhiều quy định.

(SGGPO).-  Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tán thành sửa đổi Luật này với nhiều quan điểm tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân như tinh thần của Hiến pháp mới, tuy nhiên nhiều ĐBQH cũng cho rằng, cần hết  sức thận trọng trong nhiều quy định.

Vì như ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nói, Bộ luật tố tụng hình sự là  để đưa Bộ luật hình sự vào cuộc sống, nếu không thận trọng có thể gây tác động xấu đối với cuộc sống. “Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 vẫn tương đối ổn định. Đành rằng sửa luật để phù hợp với Hiến pháp tuy nhiên phải cân nhắc. Hiện có khoảng 130.000 đối tượng có hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì vậy phải đặt vào tâm trạng của người dân mỗi khi ra đường  sợ hãi số đối tượng này. Sửa luật để bảo đảm quyền con người, tránh oan sai là đúng nhưng phải hết sức thận trọng. Nếu bó tay bó chân các cơ quan tố tụng hình sự thì sẽ khiến tội phạm lộng hành. Tuy nhiên cũng không thể để oan sai”, ĐB Đương phát biểu.

Cũng theo ĐB Đỗ Văn Đương, nếu vì một số ít vụ có thể oan sai mà đưa ra những quy định để chiều chuộng, nhân văn cho tội phạm mà không đề cao mục tiêu giữ bình yên cho xã hội thì chúng ta  lại đi ngược lại với chủ trương pháp trị, vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Vậy nên, sửa luật phải đảm đảm không được oan sai, nhưng cũng không được để cho tội phạm lộng hành, đó là vì đất nước, nhân dân.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP HCM cũng cho rằng, phải sửa luật để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm nhưng cũng bảo đảm quyền con người. “Sửa theo hướng tiến bộ nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện, trình độ của bộ máy. Những gì còn ổn định thì nên giữ. Những gì vi phạm quyền con người thì cần phải sửa”, ĐB Phong nói.
 
Theo ĐB Phong, nguyên tắc cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh tội phạm là xuyên suốt. Oan sai là do cán bộ điều tra làm sai nguyên tắc đó. “Thực tế có những cán bộ nóng lòng, suy nghĩ lệch lạc về vụ án đó. Bị can chưa nhận tội nhưng cán bộ điều tra cho rằng đã chứng minh được tội phạm, vì vây dẫn đến oan sai. Đó là do cán bộ. Vì vậy đừng vì một vài vụ oan sai mà phủ nhận sạch trơn hết, chỉ nên tiếp thu để chỉnh sửa những gì tiến bộ”, ĐB Lê Đông Phong nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, cả 2 ĐB Đương và Phong đều cho rằng, với quy định thực hiện ghi âm, ghi hình trong hỏi cung thì cần cân nhắc hết sức thận trọng theo hướng không nhất thiết lúc nào cũng phải ghi âm ghi hình.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục