Cần tầm nhìn chiến lược

Ngày 2-5, đoàn đại biểu Bộ Thương mại các nước Hiệp hội Đông Nam Á, trong đó có Thứ trưởng Bộ Công thương nước ta Nguyễn Cẩm Tú, đã lên đường thăm Washington nhằm nâng cao ảnh hưởng ngày càng tăng của ASEAN đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Chuyến thăm này do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN và Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ tổ chức nhằm giới thiệu với doanh nghiệp Mỹ cơ hội đầu tư và làm ăn ở các thị trường đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á.

Nhận định về quan hệ thương mại Mỹ-ASEAN, Đại diện thương mại Mỹ cho rằng có thể nói chưa bao giờ mối quan hệ này mang lại lợi ích to lớn cho Mỹ như hiện nay. Từ Seattle đến Miami, các doanh nghiệp, công nhân và các hộ gia đình Mỹ đều đang được hưởng lợi từ quan hệ thương mại giữa Mỹ và các thành viên ASEAN. Tổng lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai bên trị giá 203 tỷ USD trong năm 2009 đã biến khu vực thương mại ASEAN thành bạn hàng lớn thứ 5 của Mỹ. Và quan trọng hơn quan hệ hợp tác này đang mang lại 800.000 việc làm cho người Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ rất lạc quan về khả năng làm ăn với đối tác này và cho rằng quan hệ hai bên sẽ rất tích cực trong tương lai. Bởi vì một điều thật đơn giản nhưng làm giật mình các nước ASEAN. Trong khi nhiều quốc gia nhìn thấy Mỹ là một thị trường tiêu thụ lớn cho hàng hóa của mình và trong thực tế đang biến điều đó thành hiện thực thì ASEAN lại được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa Mỹ.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, sức mua hàng Mỹ của mỗi người tiêu dùng Đông Nam Á cao gấp 2 lần sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc và gấp 9 lần sức mua của mỗi người Ấn Độ. Nhìn vào bảng thống kê của Bộ Thương mại Mỹ có thể thấy rõ tỷ lệ tăng xuất khẩu hàng hóa Mỹ vào ASEAN đang tăng lên mỗi năm trong khi tỷ lệ tăng nhập khẩu từ khối này đang rút ngắn lại. Và phía Mỹ cũng không giấu mục tiêu sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN vào năm 2015.

Đó là chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực ASEAN. Ngược lại, ASEAN, được đánh giá là năng động nhất thế giới hiện nay, lại chưa có một chiến lược chung nào để phát triển quan hệ thương mại với Mỹ trong thời gian hậu khủng hoảng. Trong khi thế giới đang ngụp lặn trong làn sóng khủng hoảng kinh tế - tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu kêu gọi các nước đang phát triển, trong đó có ASEAN, nên quay về trong nước, chuyển hướng từ sản xuất phục vụ xuất khẩu sang phục vụ nhu cầu nội địa.

Thế nhưng, cho dù sản xuất quay về “tắm ao ta” thì thói quen tiêu dùng của người dân ASEAN cũng phải thay đổi, nhất là thói quen “sính” hàng ngoại, trong đó đặc biệt hàng Mỹ. Do khủng hoảng, các nước bạn hàng lớn của ASEAN như Mỹ đang tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu ngược trở lại ASEAN.

Theo các nhà kinh tế ASEAN, cho dù hiện nay cán cân thương mại vẫn còn đang nghiêng về ASEAN, nhưng với đà tăng xuất khẩu vào ASEAN cùng việc tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ, thói quen “sính” hàng ngoại của người dân ASEAN và việc thiếu chính sách mang tính chiến lược dài hơi, tới năm 2015, ASEAN sẽ trở thành siêu thị trường tiêu thụ hàng hóa Mỹ như mục tiêu Mỹ đặt ra.

Hy vọng chuyến đi của các vị bộ trưởng thương mại ASEAN sẽ góp phần mở đầu cho một tầm nhìn chiến lược trong quan hệ thương mại Mỹ-ASEAN trong tương lai.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục