Gas được xem là mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình. Hiện nay bên cạnh việc giá gas tăng chóng mặt thì người tiêu dùng còn nơm nớp lo sợ trước tình trạng gas giả và thiếu trọng lượng. Thực tế cho thấy, hiện nay trên thị trường đang xảy ra vấn nạn tái chiếm vỏ bình gas, gas giả, gas kém chất lượng. Các cơ quan chức năng quản lý thị trường cũng như công an cấp địa phương phát hiện và bắt giữ rất nhiều.
Điển hình là các cơ sở tư nhân thường chiếm dụng bình gas của các công ty có thương hiệu nổi tiếng. Với thủ đoạn tinh vi, các cơ sở sang chiết gas trái phép vào các bình của công ty có tên tuổi, sau đó biến nó thành bình gas của mình bằng cách cắt, thay tai xách trên bình gas, sơn hoặc mài bỏ chữ và logo của các công ty khiến cho vỏ bình bị mài mòn, giảm khả năng chịu áp lực...gây nguy hiểm lớn cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, gas lậu hiện nay chiếm tới 30% thị phần. Không chỉ trốn thuế, gas lậu còn chiếm dụng của người tiêu dùng 10% thuế VAT, doanh số ước tính mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chi hội Gas miền Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, trên thị trường hiện có khoảng hơn 10 triệu vỏ bình, trong đó hơn 3 triệu vỏ bình của các công ty kinh doanh gas hợp pháp bị chiếm dụng. Số vỏ bình bị chiếm dụng này không được kiểm định trong nhiều năm hiện đã bị hoán đổi thương hiệu, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Cũng theo bà Lê Thị Anh Mẫn, tình hình san chiết LPG lậu hiện vẫn diễn biến phức tạp. Các trạm nạp LPG vào chai (trạm nạp LPG) có trước khi Nghị định 107/2009/ND9-CP ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2009 (Nghị định 107) của Chính phủ có hiệu lực hiện nay vẫn ngang nhiên san chiết LPG lậu, nhiều trạm nạp LPG mới tiếp tục ra đời chuyên san chiết nạp lậu.
Thời gian vừa qua Chi hội Gas miền Nam đã rất tích cực làm việc với các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an địa phương nhưng việc san chiết nạp lậu chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do Nghị định 107/2009/ND9-CP không có các điều khoản chi tiết để quản lý có hiệu quả vấn đề san chiết lậu.
Tỉ lệ hàng san chiết nạp lậu bị bắt chỉ chiếm vài phần nghìn so với số lượng hàng san chiết trái phép. Điều này gây thiệt hại lớn cho các công ty gas và người tiêu dùng, tiềm tàng nguy cơ cháy nổ mất an toàn cho xã hội.
| |
Để Nghị định 107 thực sự làm lành mạnh hóa thị trường LPG, đáp ứng được mong mỏi của các công ty kinh doanh LPG chân chính và người sử dụng LPG, Chi hội Gas miền Nam kính đề nghị Hiệp hội Gas Việt Nam tiếp tục làm việc với Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an (nhưng quan trọng nhất vẫn là Bộ Công thương đề ra các quyết định kịp thời vì mục tiêu lành mạnh hóa thị trường) về các vấn đề sau:
1- Bộ Công thương cần quy định bổ sung về Quy chế hoạt động của các trạm nạp LPG vào chai để tăng cường quản lý các trạm nạp LPG. Do trạm nạp LPG nhập LPG rời nên đề nghị được quản lý như đối với xăng dầu: Một trạm nạp LPG vào chai độc lập chỉ được chiết nạp thuê cho một thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối thuê chiết nạp sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm đối với trạm nạp LPG thuê và điều này sẽ giúp cho thương nhân đầu mối quản lý được chất lượng LPG thuê chiết nạp theo Thông tư 12 /2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ ban hành ngày 30 tháng 7 năm 2010. Các trạm nạp LPG cũng phải treo bảng hiệu của thương nhân đầu mối thuê họ chiết nạp.
2- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với trạm nạp LPG nhằm tạo điều kiện cho việc giám sát của toàn xã hội đối với việc chiết nạp LPG từ bên ngoài tường rào (Theo quy định tại khoản c, mục 1, điều 56 Nghị định 107). Trước mắt cần có các quyết định mang tính cấp bách về việc này, Hiệp hội Gas có thể giúp biên soạn dự thảo cho quyết định này.
3- Bộ Giao thông vận tải bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các xe vận chuyển LPG chai, xe phải bảo đảm thông thoáng tạo điều kiện cho việc giám sát của xã hội đối với các xe vận chuyển LPG chai. (Theo quy định tại khoản a, mục 4, điều 56, Nghị định 107). Trước mắt cần có các quyết định từ Bộ Công thương mang tính cấp bách về việc này, Hiệp hội Gas có thể giúp biên soạn dự thảo cho quyết định này.
S.NÂU