Ứng dụng khoa học, công nghệ

Cần tạo cú hích về cơ chế

Máy móc: Cũ kỹ, lạc hậu
Cần tạo cú hích về cơ chế

Để phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa trước hết phải tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ. Vậy mà đến nay các công trình khoa học được ứng dụng trong sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM hầu hết máy móc ở các nhà máy đã cũ kỹ, lạc hậu. Quy trình sản xuất phần lớn là thủ công, sử dụng sức lao động là chính.

Công ty Cơ khí đúc kim loại Sài Gòn ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao. Ảnh: CAO THĂNG

Công ty Cơ khí đúc kim loại Sài Gòn ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao. Ảnh: CAO THĂNG

Máy móc: Cũ kỹ, lạc hậu

Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM cho biết, kết quả khảo sát tại gần 500 DN ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (55% DN trong nước và 45% DN có yếu tố nước ngoài) đưa ra con số thật đáng buồn. Chỉ có 3 DN (chưa đến 1% DN) có trình độ công nghệ ở mức tiên tiến, có đến hơn một nửa số DN có trình độ khoa học ở mức yếu, còn lại là trung bình và trung bình khá. Về thiết bị và nhân lực cũng vậy, chỉ 4% thiết bị tiên tiến và gần 80% nhân lực yếu.

Theo kết quả khảo sát, nguyên nhân thiết bị không đạt chuẩn do hầu hết DN đầu tư nhập thiết bị đã qua sử dụng. Mà nguồn gốc xuất xứ lại từ Trung Quốc (chiếm đến 80%). Để giảm chi phí, nhiều DN nhập thiết bị chỉ còn khoảng 50%-90% giá trị, đặc biệt có 10% DN mua lại thiết bị và công nghệ khi giá trị kỹ thuật còn dưới 50%.

Do vậy, tuổi thọ các thiết bị và dây chuyền sản xuất chính trong các DN rất thấp. Gần 70% DN sử dụng thiết bị sản xuất từ sau năm 2000 và rất ít DN sử dụng thiết bị có tuổi thọ cao hơn 20 năm. Việc ứng dụng thiết bị tự động hóa hoàn toàn chỉ chiếm 25% số DN, còn lại sử dụng dây chuyền sản xuất bán tự động. DN dành kinh phí cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng rất khiêm tốn. Cụ thể trong vòng 3 năm gần đây, chi phí mà các DN này dành cho nghiên cứu ứng dụng chỉ có 85 tỷ đồng.

Để cung cầu gặp nhau

Bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học bị “xếp xó” có không ít công trình đem lại hiệu quả vượt bậc khi DN ứng dụng.

Cụ thể như công trình làm nước tương lên men không có chất 3MCPD, không sử dụng axít và rút ngắn thời gian ngâm ủ từ 4 - 6 tháng xuống còn 1 tháng đã được ứng dụng thành công tại Công ty Nosafood. Bằng cách phối hợp với các nhà khoa học, Công ty CP Cơ khí đúc kim loại Sài Gòn vay vốn ưu đãi của TP để mua linh kiện về lắp ráp dây chuyền sản xuất, làm giảm chi phí xuống còn vài chục tỷ đồng, thay vì phải nhập máy móc với giá hàng trăm tỷ đồng.

Ông Lê Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí đúc kim loại Sài Gòn cho rằng nhờ bắt tay với nhà khoa học, công ty đã cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả, đem lại nguồn lợi lớn cho công ty.

Ai cũng thấy ứng dụng khoa học công nghệ sẽ làm giảm chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN nói: “Đầu tư cho khoa học không phải 1 đồng vốn 4 đồng lời mà ít nhất cũng đến… 20 đồng lời!”. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho DN thiết kế, chế tạo, ứng dụng KHCN. Quỹ phát triển KHCN từ năm 2007 đã có cơ chế cho vay không phải thế chấp với lãi suất ưu đãi… nhưng kết quả lại rất khiêm tốn. Chỉ có 50 dự án được tài trợ, trị giá trên 70 tỷ đồng.

Nguyên nhân khoa học không đến được DN, theo nhìn nhận của PGS-TS Phan Minh Tân là do hoạt động đầu tư cho nghiên cứu chưa có địa chỉ ứng dụng. Nhà khoa học không được làm kinh doanh nên công trình nghiên cứu chỉ nhằm mục đích giảng dạy chứ không sát với nhu cầu thực tế của DN.

Ông Tân cho rằng, để nhà khoa học và DN gặp nhau, sở sẽ đứng ra nhận đơn đặt hàng của các DN rồi chuyển sang nhà khoa học nghiên cứu đáp ứng. Sở sẽ là chất xúc tác, giúp nhà khoa học bám sát và xây dựng công trình ứng dụng được vào thực tế. Nhưng, để kích thích nhà khoa học nghiên cứu, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN và các tổ chức nghiên cứu. Phải có các quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng, quyền khai thác các công trình nghiên cứu khoa học khi có tài trợ kinh phí, bằng cách cho phép chia sẻ kết quả nghiên cứu theo tỷ lệ phần trăm nhất định khi công trình ứng dụng đạt hiệu quả.

Ở Nhật, từ hàng chục năm trước, chính phủ đã tài trợ các dự án nghiên cứu có sự tham gia kinh phí của DN và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các trường đại học, thành lập văn phòng cho thuê bản quyền.

Đã đến lúc Nhà nước cũng cần thiết lập các văn phòng giao dịch, tăng cường đặt hàng từ phía các DN, chuyển giao công nghệ từ nhà nước sang tư nhân, đồng thời cho phép các nhà khoa học làm việc với DN tư nhân.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục