Cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp

Ngày 25-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”.
Cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp

(SGGPO).- Ngày 25-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”.

Những giá trị văn hóa của ông cha là trường tồn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Chúng ta hay nghĩ về văn hóa, về thanh niên ở 2 giai đoạn: lúc khó khăn nhất thì chúng ta dựa vào nền tảng văn hóa, vào sức trẻ của thanh niên để vượt qua. Ngược lại, lúc thành công chúng ta cũng nhớ đến vì thành tựu là nhờ có văn hóa, có thanh niên. Thời cuộc có thể thay đổi nhưng những giá trị văn hóa của ông cha sẽ trường tồn”. Thách thức đối với sự phát triển đất nước trong những năm tới là hết sức mạnh mẽ, vì vậy chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ, những người có khát vọng, trí tuệ, công nghệ.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm

Báo cáo đề dẫn do GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày cho rằng, càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực của  văn hóa đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Ngày nay, chúng ta hiểu văn hóa là nhân tố không thể không tính đến trong mọi quá trình phát triển. Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững; có khả năng làm giàu thêm các nguồn lực, nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ trở nên lệch lạc, kém ý nghĩa, thậm chí chứa đựng đầy nguy cơ nếu nó làm hỏng văn hóa, làm tha hóa con người. Vì vậy, nhận thức về văn hóa cần được tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc hơn, thực tiễn hơn trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, các giá trị văn hóa truyền thống cần phải được tiếp tục phát huy, nhưng phải đặt điều này trong bối cảnh thời đại và giá trị truyền thống Việt Nam phải được nâng lên ở tầm cao mới. Không quay lưng lại với các giá trị văn hóa bên ngoài.

Phát huy “sức mạnh mềm” của quốc gia

Theo các chuyên gia, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Khát vọng cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải là niềm khao khát thường trực của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Muốn làm được điều đó, bên cạnh những giá trị đã được khẳng định, cần tôn trọng và đề cao dân chủ, chấp nhận đối thoại và cùng nhau bàn bạc đi đến sự đồng thuận vì quyền lợi quốc gia. Thượng tôn pháp luật, sống, thực sự coi pháp luật là thước đo đánh giá và xem xét mọi hoạt động, không bị chi phối bởi bất cứ một quyền lực nào.

Vẫn theo GS Nguyễn Quang Thuấn, hiện nay bên cạnh việc phải chú trọng tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bình đẳng và nhân văn cho toàn xã hội; đề cao văn hóa gia đình; tạo dựng giá trị văn hóa cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp với nguyên tắc làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp là làm giàu cho đất nước, không chấp nhận làm giàu phi pháp, thiếu nhân văn… thì cần tạo dựng một văn hóa chính trị theo hướng hội nhập. Văn hóa chính trị này không chỉ ở những người tham gia bộ máy công quyền, mà trong mọi tổ chức chính trị, xã hội khác. Sự gương mẫu, hy sinh, chính trực, công minh, tử tế... cần phải được tôn vinh. Tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cửa quyền, bè phái, vụ lợi... phải được xã hội đồng tình phê phán.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Bởi một người lãnh đạo có tầm nhìn, có sự hiểu biết nhìn xa trông rộng sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước. Những người biết nắm bắt cái mới, xu thế của thời đại và nhìn ra khả năng của những người cấp dưới sẽ là một tài sản lớn cho quốc gia. Do vậy, Nhà nước, các cấp cần có trách nhiệm phát hiện, tôn trọng tài năng và có chiến lược vun trồng để tài năng phát triển. Giá trị của người lãnh đạo hiện nay, cần được xã hội nhìn nhận là luôn cập nhật được tình hình mới, biết chớp thời cơ, dám quyết định và chịu trách nhiệm. Biết tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, khai thác những thế mạnh của thể chế đang có, điều chỉnh các quyết định hay công việc phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tạo ra những thay đổi hay chỉnh sửa để thể chế phát huy hết hiệu quả và sáng tạo những nét mới để phát triển.

GS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa đánh giá, phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Trong đó, có vai trò từ tấm gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Khi có  những tấm gương tốt thì thanh niên sẽ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình cũng như giữ gìn sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Một vấn đề được đặt ra là tạo dựng các giá trị văn hóa đối ngoại trong tình hình mới, tăng cường hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Bằng ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước chúng ta sẽ trở nên thân thuộc và gần gũi với bạn bè thế giới làm cầu nối cho các hoạt động chính trị và kinh tế. Đó chính là  “sức mạnh mềm” của các quốc gia. GS-TS Lê Hồng  Lý đồng tình việc, cần bồi dưỡng, xây dựng các nhân tài từ lúc còn “măng non” đến lúc trở thành những nhân tài mà cả thế giới công nhận. Chúng  ta đã từng có Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu.. làm rạng danh Việt Nam. Thế giới rất coi trọng điều này, coi đó là một thứ quyền lực mềm của quốc gia.

Báo cáo đề dẫn của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đặt vấn đề: Việt Nam liệu có nên tiến tới việc xây dựng một "ngành công nghiệp văn hóa " trong thời gian tới như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc hay một vài ngành công nghiệp văn hóa Mỹ đã làm. Giá trị, lợi nhuận về xuất bản văn hóa mà Nhật Bản xuất sang Mỹ còn lớn hơn xuất khẩu về công nghiệp chế tạo.

Điều này có thể còn khá xa, nhưng với tiềm năng văn hóa và con người Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể tính đến trong tương lai.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục