Cẩn thận với pin dỏm

Chị Huỳnh Thanh Trúc (nhà ở quận 8) gởi đơn khiếu nại đến Báo SGGP, kể như sau: “Tôi mua chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Olympus tại Trung tâm Điện máy Ideas về sử dụng chỉ mới vài lần, chưa được nửa thời gian bảo hành thì máy bị treo. Mang đến Ideas, nơi đây chỉ tôi đến địa điểm bảo hành của hãng trên đường 3 Tháng 2. Nhưng đến đây, mới biết điểm bảo hành chuyển sang đường Cách Mạng Tháng Tám. Chạy một buổi trời, cuối cùng cũng tìm được điểm bảo hành. Nhân viên ở đây nói pin bị hư và đề nghị tôi mua pin mới”.

Chị phản đối vì pin chỉ xài vài lần đã hư thì nhân viên lấy phiếu bảo hành ra nói, quy định bảo hành ghi rất rõ là không bảo hành pin. Nhưng chị không đồng ý và cho rằng, một thương hiệu sản xuất máy thì không thể làm theo phụ kiện chỉ xài được vài lần rồi… hư, đã vậy, còn không được đưa vào diện bảo hành.

Theo đơn khiếu nại của chị, chúng tôi kiểm tra hàng mới thấy, máy Olympus này được phân phối bởi Công ty TNHH Thế giới kỹ thuật số Vương Minh nhưng trên pin lại ghi là “cell made in Japan/Japon” và bên dưới ghi “Assembled in Việt Nam” (tức pin được sản xuất tại Nhật nhưng được lắp ráp tại Việt Nam!?).

Dù sau khi chúng tôi can thiệp, Trung tâm Điện máy Ideas và đơn vị bảo hành đã cùng hỗ trợ chị cục pin khác, dẫu vậy chị vẫn cho rằng hãng Olympus cần nâng chất lượng, làm tốt công tác hậu mãi hơn nữa, đừng biến “thượng đế” thành đối tượng được “hỗ trợ” vì chất lượng hàng hóa kém!

Được biết, không chỉ Olympus mà hiện rất nhiều hãng có thương hiệu có mặt tại Việt Nam đã dùng chiêu không ghi nhận việc bảo hành pin cho khách hàng. Do vậy, không ít cửa hàng đã “luộc” pin xịn thay vào pin Trung Quốc kém chất lượng. Đã có nhiều khách hàng không xem kỹ hàng hóa và không đọc kỹ phiếu bảo hành, đến khi pin hư mới tá hỏa thì đã muộn. 

CH.HÂN 

* Để góp phần bình ổn thị trường và hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các sở công thương và các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

C.H.

* Trong 69 vụ kiểm tra chuyên ngành quản lý thị trường ở TPHCM, hầu hết vi phạm do buôn bán các loại hàng hóa nhập khẩu không có chứng từ hóa đơn, giả nhãn hiệu; hàng ngoại không có nhãn phụ tiếng Việt và không niêm yết giá. Trong đó, các đội đã lập biên bản 14 cửa hàng không niêm yết giá; tạm giữ 158 điện thoại di động đã qua sử dụng.

M.H.

Tin cùng chuyên mục