Cần thêm nhiều công trình phúc lợi xã hội cho công nhân

Được ví như “thủ phủ khu công nghiệp” của cả nước, tỉnh Bình Dương hiện có trên 1,2 triệu lao động, trong đó đa số là người đến từ các địa phương khác trên cả nước. Khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 quét qua, công tác an sinh xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân - người lao động (CN) bộc lộ thêm nhiều bất cập, hạn chế.
Cần thêm nhiều công trình phúc lợi xã hội cho công nhân

Anh Trần Bá Hào (35 tuổi, quê tỉnh An Giang) làm CN trong khu công nghiệp KCN Sóng Thần (TP Dĩ An) gần 10 năm nay. Dù rất chắt chịu trong sinh hoạt, tuy nhiên sau khi trừ chi phí (điện nước, nhà trọ, tiền ăn), tiền lương, còn lại mỗi tháng chẳng được bao nhiêu. Căn nhà mơ ước từ ngày lên Bình Dương lập nghiệp của anh Hào, đến nay vẫn là... ước mơ!

Đây cũng là tình trạng chung của đa số CN lao động ở Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, khi các công trình nhà ở cho CN mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, phần lớn CN phải ở trong các nhà trọ chật chội, thiếu thốn nhiều thứ và dễ lây lan dịch bệnh. Nhiều CN cho rằng, nếu được ở trong các khu ký túc xá, hoặc được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, có lẽ cuộc sống của CN sẽ bớt khó khăn.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, tỉnh hiện có 10 công trình thiết chế công đoàn quy mô, phục vụ CN, trong đó có 5 công trình đã đưa vào sử dụng, đáng kể nhất là Trung tâm văn hóa CN lao động tỉnh Bình Dương (khu Việt Sing, TP Thuận An) với tổng mức đầu tư gần 73 tỷ đồng, là nơi CN tới sinh hoạt văn hóa, thể thao, tư vấn, học tập, giáo dục truyền thống.

Trong 5 dự án đang được triển khai, quy mô lớn nhất là Trung tâm văn hóa CN lao động huyện Bàu Bàng với diện tích 30.000m² do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với tỉnh thực hiện và khi hoàn thành, Bình Dương sẽ có thêm công trình hiện đại, nhiều tiện tích phục vụ đời sống tinh thần của CN, nhất là khi tỉnh có chủ trương phát triển huyện Bàu Bàng thành trung tâm KCN, thu hút hàng trăm ngàn lao động về làm việc.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị tỉnh tiếp tục phát triển thêm dự án nhà ở xã hội cùng các công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Để phát triển quỹ nhà ở xã hội cho CN, trước đây Chính phủ đã có ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021), trong đó quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, thực tế triển khai thì các chủ đầu tư thường tìm cách “lách luật”, do đó chính quyền địa phương cần siết chặt các quy định để tạo thêm quỹ nhà ở cho CN.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung nhiều KCN như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM cần rà soát quỹ đất, dành thêm các khu đất để phát triển quỹ nhà ở xã hội, góp phần cải thiện cuộc sống, giúp CN an cư.

Tin cùng chuyên mục