Cần thiết lập hệ sinh thái cho thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) giữ vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực phân phối. Việt Nam hiện là một trong những nước phát triển nhanh nhất thị trường TMĐT ở khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng thường niên là 32,3% từ năm 2013-2017, quy mô thị trường năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. 
Người tiêu dùng chọn mua áo qua mạng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Người tiêu dùng chọn mua áo qua mạng. Ảnh: THÀNH TRÍ

TPHCM thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng giao dịch TMĐT, chiếm tới 60% cả nước nên TP đang có nhiều điều kiện khách quan và chủ quan để thúc đẩy ngành TMĐT tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn.

Bán hàng trực tuyến chiếm 8,14% tổng doanh thu

Báo cáo thực trạng phát triển TMĐT và quản lý nhà nước trên địa bàn TPHCM, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công thương TPHCM, cho biết TMĐT xuất hiện ở TPHCM cách đây khoảng 15 năm. Trong 5 năm đầu 2004-2009, phạm vi ứng dụng của TMĐT rất hẹp, chủ yếu là giao dịch thông qua thư điện tử (email), các website TMĐT khi đó gần như chưa thể giao dịch với khách hàng nên chỉ đóng vai trò là công cụ quảng cáo trực tuyến, hỗ trợ hoạt động mua bán tại các điểm bán hàng cụ thể (thương mại off-line).

Nhưng 10 năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh của công nghệ xây dựng web và giải pháp thanh toán trực tuyến, TMĐT mới phát triển mạnh và từng bước vươn lên, song hành với thương mại off-line. Trong xu hướng chung, các DN của TPHCM cũng đã sử dụng email thường xuyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh với tỷ lệ sử dụng trung bình 96%; trong đó các DN lớn có tỷ lệ gần như tuyệt đối là 99%, trong khi các DN nhỏ và vừa ở mức 95%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, TMĐT tiếp tục có tốc độ phát triển rất nhanh, ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống DN và người dân. Các nền tảng e-commerce có sự phát triển nhanh chóng cả mức độ đa dạng sản phẩm, hạ tầng công nghệ và các dịch vụ hỗ trợ. Mô hình TMĐT biến chuyển từ C2C (người dùng bán cho người dùng), B2C (DN bán cho người dùng), B2B (DN bán cho DN)… phát triển ổn định.

Một số mô hình mới xuất hiện và hứa hẹn chiếm lĩnh như bán hàng trên mạng xã hội, qua điện thoại di động, bởi sự chuyển dịch từ bán hàng trên website sang bán trên các video và livestream đang thể hiện ngày càng rõ nét. Theo đó, tỷ lệ website TMĐT có phiên bản dùng cho thiết bị di động đã đạt 27,84% (năm 2018). Mô hình TMĐT xuyên biên giới cũng manh nha phát triển với một số DN trong và ngoài nước bước đầu khẳng định tên tuổi.

Đối với người tiêu dùng, việc sử dụng TMĐT đã trở nên quen thuộc, phổ biến theo xu hướng kết nối với tỷ lệ người tiêu dùng biết về mua sắm trực tuyến đạt 47,08% (năm 2018). Các hình thức mua bán cá nhân C2C cũng phát triển mạnh mẽ nhờ sự thâm nhập cao của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội. Đến nay, tại TPHCM có khoảng 130.000 website hoạt động, trong đó gần 9.000 website TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, trong đó 8.519 website TMĐT bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ TMĐT. TPHCM dẫn đầu về chỉ số TMĐT công bố qua các năm 2017, 2018, 2019; tiếp tục là địa phương có thị trường hoạt động TMĐT sôi động, thuộc loại lớn nhất nước. Tỷ lệ doanh số mua bán trực tuyến trên địa bàn chiếm 8,14% tổng mức bán lẻ hàng hóa, chiếm khoảng 40% tổng doanh số giao dịch TMĐT cả nước.

Kết hợp tốt TMĐT và truyền thống

Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, TMĐT đang phát triển rất nhanh và ngày càng mạnh mẽ, nhưng hoạt động có tính chất “vô hình”, đã đặt ra hàng loạt vấn đề mới về quản lý nhà nước như chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Do vậy, việc xây dựng Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030 không chỉ đánh giá thực trạng, vai trò của TMĐT trong lĩnh vực phân phối trên địa bàn TP, qua đó còn kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, giúp DN đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đi vào cụ thể, theo ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện sàn TMĐT Lazada, TMĐT đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống chứ không giới hạn trong lĩnh vực hàng hóa. Với các quốc gia phát triển thì TMĐT đóng vai trò rất quan trọng. Tại EU, TMĐT chiếm khoảng 28% tổng doanh thu và tại Mỹ là 32%. Xu hướng phát triển của TMĐT đã có bước nhảy vọt sang di động nên nhu cầu mua sắm, nhất là trong giới trẻ rất đa dạng và thể hiện khá rõ trào lưu mua sắm thông qua các “hot trend”. Các nhà kinh doanh nếu không chạy theo kịp là “chết ngay”. Nhưng để làm được việc này thì cần có sự kết hợp rất tốt giữa các DN để tạo ra một hệ sinh thái cho TMĐT. “Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào đề cập đến”, ông Vũ Quốc Tuấn băn khoăn.

Kinh doanh TMĐT tất cả dựa trên hệ thống máy tính, giảm được rất nhiều chi phí về mặt bằng, nhân công bán hàng nhưng lại cần có sự kết nối tốt với DN sản xuất (để có nguồn hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng) và các DN giao nhận hàng hóa. Nói cách khác, những sàn TMĐT sống và phát triển được là nhờ họ đã có cả một hệ sinh thái, trong khi các trang web đơn lẻ ngày càng mất đi.

“TPHCM có chương trình hàng bình ổn, Lazada mong muốn phối hợp với các DN tham gia để cung ứng hàng bình ổn cho công nhân tại các KCN, KCX, vì hiện công nhân có nhu cầu sử dụng nhiều hàng hóa, nhưng thời gian tăng ca quá nhiều nên không có thời gian mua sắm. Nếu các bên phối hợp tốt thì cơ hội cho DN nhỏ và lớn là ngang nhau, hiệu quả và ý nghĩa của chương trình sẽ nâng cao hơn”, ông Vũ Quốc Tuấn đề xuất.

Một DN khác cũng chỉ ra rằng, các DN đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện các sản phẩm kém chất lượng. Làm sao hài hòa 2 yêu cầu có sân chơi tốt (DN nhỏ và vừa) và để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm tốt, giá tốt cũng là một nội dung đề án cần cập nhật. Về định hướng phát triển cũng cần sự kết hợp giữa TMĐT và thương mại truyền thống. TPHCM vốn đã có thế mạnh về thương mại truyền thống thì nay cần phải kết hợp TMĐT mới phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là liệu có xảy ra mâu thuẫn giữa 2 loại hình này? Đây cũng chính là nơi để các cơ chế, chính sách thực và điều phối có thể giải quyết tốt quyền lợi cho các bên. Nếu làm tốt việc phối hợp và vận hành một cách nhịp nhàng thì hiệu quả sẽ nâng lên gấp nhiều lần.

Liên quan đến thanh toán, cần có sự kết nối của các chủ thể tham gia để đồng bộ hóa giải pháp TMĐT và thanh toán điện tử, trong đó ngân hàng và DN sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030 do Sở Công thương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM soạn thảo. Đề án bao gồm 3 chương: Chương 1: Tổng quan về TMĐT; chương 2: Thực trạng ứng dụng và quản lý nhà nước về TMĐT trên địa bàn TPHCM và chương 3: Giải pháp phát triển ngành TMĐT trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030.

Hiện nhóm đề án đã thực hiện cơ bản các nội dung của chương 1 và 2. Hiện đang tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, DN, sở ngành chức năng để hoàn thiện chương 3, trước khi trình UBND TPHCM xem xét và phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục