(SGGPO).- Ngày 4-2, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề điểm mới qui định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự - BLDS (sửa đổi), vấn đề về quyền sở hữu nhà chung cư đã được các chuyên gia tập trung cho ý kiến.
Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), vấn đề nhà chung cư hiện nay rất phức tạp. “Hàng trăm, hàng nghìn người dân sinh sống trong một khối nhà như vậy thì chắc chắn sẽ va vấp rất nhiều, không có luật xử lý thì rất phức tạp. Tuy nhiên Bộ luật Dân sự chỉ quy định các vấn đề chung, cơ bản. Phải có luật về nhà chung cư hoặc luật về quản lý nhà chung cư để xử lý từ a-z, chứ không thể chơi vơi thế này mãi được”.
Trong khi đó, là người nghiên cứu và trực tiếp tham gia quản lý về lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Thực tế vừa qua chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của người dân hỏi về quyền sở hữu tầng hầm và quyền trổ cửa. Tôi cho rằng vấn đề này liên quan đến quyền sở hữu nên cần thiết phải được đề cập trong Bộ luật Dân sự”. Tuy nhiên, cả Bộ luật hiện hành và dự thảo sửa đổi đều không đề cập đến vấn đề này. Công nhận sự cần thiết phải có luật chuyên ngành về quản lý chung cư, song quan chức Bộ Xây dựng nhận định rằng, hoặc nên đưa hẳn quy định về nhà chung cư ra khỏi Bộ luật Dân sự hoặc phải sửa đổi nội dung về nhà chung cư trong Bộ luật, chứ không thể giữ nguyên như hiện nay.
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm thống nhất với quan điểm: quyền tự do sở hữu của một cá nhân hay tổ chức phải gắn với tất cả quan hệ xã hội. Khi cần thiết, vì lợi ích quốc gia thì nhà nước có thể trưng mua, trưng dụng tài sản tư nhân và có đền bù ngang giá vào thời điểm đó.
ANH PHƯƠNG