Cần thiết phải thiết kế sản phẩm bền vững

Thiết kế sản phẩm bền vững hay còn gọi là thiết kế sản phẩm với định hướng phát triển bền vững là một khái niệm còn khá mới lạ tại Việt Nam. Nhưng đây lại là một hướng đi cần thiết, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển sâu hơn vào thị trường thế giới.

Thiết kế sản phẩm bền vững hay còn gọi là thiết kế sản phẩm với định hướng phát triển bền vững là một khái niệm còn khá mới lạ tại Việt Nam. Nhưng đây lại là một hướng đi cần thiết, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển sâu hơn vào thị trường thế giới.

Thiết kế sản phẩm bền vững là giải pháp điều chỉnh thiết kế sản phẩm sao cho vẫn đảm bảo được tính năng sử dụng của sản phẩm nhưng lại tiết kiệm được tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất. Bằng cách ứng dụng thiết kế sản phẩm bền vững, các doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên thực tế, chu kỳ phát triển theo chiều rộng của các ngành sản xuất tại Việt Nam đã gần như kết thúc. Lợi thế về nhân công rẻ cũng đang giảm dần do mức sống của đại bộ phận dân chúng tăng nhanh và sự cạnh tranh từ các nước Asean hay các nước đang phát triển ở Nam Á khác.

Trong khi đó, rất nhiều nhóm sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng nâng cao giá bán thông qua tăng giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, các chuyên gia thiết kế người Việt, nhất là người trẻ tuổi và được đào tạo tốt, có tính sáng tạo, nhanh nhạy với công nghệ thông tin. Đây là những tiền đề tốt để triển khai chương trình thiết kế sản phẩm bền vững và xem đây như là công cụ thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và mang tính bền vững hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tiếc là những lợi thế trên vẫn chưa thể tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển tiềm năng áp dụng thiết kế sản phẩm bền vững.

Lý giải thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là chưa có sự kết hợp giữa tiêu chí phát triển bền vững với thiết kế và phát triển sản phẩm. Bản thân các hoạt động thiết kế và phát triển sản phẩm cũng còn yếu trong phần kết hợp các yếu tố thị trường, thị hiếu khách hàng. Đặc biệt chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ tầm nhìn hay năng lực trong việc chuyển sang một tầm cao mới và một hệ thống khác biệt về cơ bản với hệ thống sản xuất sản phẩm cũ. Không dừng lại đó, nhận thức và tầm nhìn của lãnh đạo các doanh nghiệp còn hạn chế. Tâm lý an phận, chấp nhận gia công theo đơn đặt hàng vẫn chiếm phổ biến. Đã vậy, sự cạnh tranh không lành mạnh và phong cách làm ăn “chụp giật” giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng làm trầm trọng tính thiếu bền vững trong phát triển sản phẩm của Việt Nam.

Một khó khăn khác mà Việt Nam đang vướng phải, đó chính là thiếu các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành đổi mới sản phẩm. Nguyên nhân là do hệ thống giáo dục chậm đổi mới. Hiện có rất ít trường giảng dạy môn phát triển sản phẩm.

Thực tế triển khai chương trình đổi mới thiết kế sản phẩm do Liên minh châu Âu tài trợ cho Việt Nam để áp dụng tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như chế biến thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất gỗ… cho thấy hoàn toàn có thể tăng giá trị sản phẩm rất cao. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thể cắt giảm 30% chi phí bắt buộc phải chi cho giá thành sản phẩm. Riêng với những ngành mà nguồn nguyên liệu đầu vào đòi hỏi sử dụng tài nguyên thiên nhiên như gỗ, nhiên liệu hóa thạch… càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Chỉ có điều vẫn có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục