(SGGPO). – Với chức năng giám sát và phản biện xã hội, ngày 17 – 9, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại chính sách về dân số và phát triển bền vững.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Quỹ dân số Liên hợp quốc: Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh
Theo bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, xu hướng giảm tổng tỷ suất sinh là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Bà khuyến nghị: Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Chính sách kiểm soát này thậm chí sẽ có tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Đã đến lúc Việt Nam cần phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển. Ngoài ra, chính sách và luật dân số trong thời gian tới cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Điều này có nghĩa là mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ phải có đủ thông tin và phương tiện để thực hiện quyền này. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình hành động của hội nghị quốc tế về dân số và phát triển và các công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Hầu hết các chuyên gia tham gia đối thoại đều cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả chính sách dân số cho những năm tiếp theo, giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Luật Dân số ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, Luật này phải được xây dựng, tiếp cận với tinh thần mới. Trong khi đó, Luật này đang quá nghiêng về lĩnh vực y tế, chưa rõ tư duy dân số là yếu tố quan trọng để phát triển; luật còn chưa hề có chế tài xử phạt vi phạm.. Ông Trần Tiến Đức, chuyên gia độc lập về dân số phát triển đề xuất phải soạn lại Luật, thay đổi bộ máy quản lý dân số về “đúng chỗ”. Cụ thể, Bộ Y tế không thể là cơ quan quản lý về vấn đề dân số.
Nên chuyển sang chính sách khuyến khích mỗi gia đình có 2 con
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã có báo cáo về chính sách dân số mới thuyết phục nhiều chuyên gia. Ông cho rằng, tình trạng mức sống càng tăng thì tỷ suất sinh càng thấp ở nhiều nước là không thể tránh khỏi. Nếu hiện tại chúng ta đưa ra một xu hướng mức sinh không hợp lý thì 20 năm nữa, chúng ta sẽ chịu hậu quả. Ví dụ Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc trong vòng 30-40 năm qua duy trì tỷ suất sinh dưới mức thay thế thì hiện nay đã thiếu lao động trầm trọng, tỷ lệ lao động nhập cư nhiều, tình trạng người trẻ càng giảm còn người già ngày càng tăng. Trung Quốc cũng vấp phải tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng, 30 triệu đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ vì duy trì chính sách 1 con. Bài học của các quốc gia này là nếu mức sinh thay thế thấp dẫn đến thiếu hụt lao động, già hóa dân số, nhiều quốc gia phải áp dụng ngược lại chính sách khuyến khích sinh con nhưng không thành công.
Tại Việt Nam, trong những năm qua để giảm tỷ suất sinh chúng ta áp dụng chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con”; áp dụng các biện pháp xử phạt nếu bố, mẹ là công chức nhà nước mà có con thứ 3 trở lên; áp dụng các biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình; thành lập Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế và tại các tỉnh, thành phố; chương trình quốc gia nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới trẻ ở sơ sinh.. Kết quả, tỷ suất sinh của ta đã giảm từ 6,49 năm 1969 xuống còn 2,11 vào năm 2005 và bình quân 2,06 từ năm 2005 đến năm 2014.
Tuy nhiên, điều lo lắng là tỷ suất sinh của cả nước hiện xuống dưới ngưỡng tỷ suất sinh thay thế. Tỷ suất sinh bình quân cả nước 9 năm qua (từ 2006-2014) là 2,055. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới ở trẻ sơ sinh chưa giảm đáng kể (112/100). Đáng ngại hơn là tình trạng đô thị đẻ ít, nông thôn đẻ nhiều ngày càng rõ khi mà năm 2014, trong khi tỷ suất sinh cả nước là 2,09 thì tỷ suất sinh tại một số khu vực rất thấp. Đơn cử khu vực thành thị là 1,85; vùng Đông Nam Bộ 1,56; Đồng bằng sông Cửu Long 1,84 và một số thành phố lớn như TPHCM chỉ là 1.39. Tỷ suất sinh bình quân ở khu vực thành thị 14 năm qua (từ 2001¬-2014) là 1,795. Thực chất, do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, nhà trẻ và trường học chi phí cao và bất tiện, các khó khăn về nhà ở (chi phí cao), lo ngại về việc có con sẽ làm giả giảm thu nhập...đã khiến nhiều người “sợ” sinh con.
Từ thực tế Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế 9 năm nay, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để tránh gặp tình trạng như các quốc gia khác, cần phải thay đổi mục tiêu của chính sách dân số ở Việt Nam sau năm 2015. Theo GS, quyền lựa chọn đẻ con, bao giờ đẻ nên là quyền quyết định của các cặp vợ chồng. Nên chuyển chính sách mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con sang chính sách mỗi gia đình nên có 2 con (trong 20 gia đình thì nên có 1 gia đình 3 con). “Việc đẻ con không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện của quốc gia. Đẻ ít thì nhàn cho người dân nhưng về tương lai của quốc gia lại không ổn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói. Cần bảo đảm duy trì mức sinh thay thế để bảo đảm duy trì lực lượng lao động của quốc gia. Nếu không có chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con thì các đô thị ở Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng như ở các nước: nơi có điều kiện thì lại đẻ ít con. Mặt khác, các đô thị hiện nay chiếm 40% dân số nhưng tỷ suất thay thế chỉ khoảng 1,9 con, nên cần nghiên cứu để bảo đảm nếu mức sinh thay thế ở đô thị xuống thấp thì không nên kiềm chế mức sinh ở nông thôn nhằm bảo đảm mức sinh về tổng thế vẫn bảo đảm.
Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số ngay từ bây giờ khi chúng ta vừa tụt khỏi ngưỡng tỷ suất sinh thay thế 9 năm qua. Khi đó, Việt Nam có thể ngăn chặn tình trạng kéo dài tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế và duy trì tỷ suất sinh thay thế trong vòng 50 năm tới hoặc lâu hơn, đảm bảo khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta cũng như sự pháp triển KT-XH bền vững trong dài hạn.
| |
PHAN THẢO