Cần Thơ đối mặt với ngập lụt trầm trọng hơn

“Cần Thơ đang đối mặt nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Nổi lên là ngập lũ, ô nhiễm nguồn nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng dân số và sự phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn khi điều kiện khí tượng và thủy văn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực do tác động của việc sử dụng nước ở thượng nguồn và trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng”, trên đây là nhận định của các nhà khoa học tại hội thảo “Khởi động giai đoạn 2 dự án thích ứng với BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

(SGGP).– “Cần Thơ đang đối mặt nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Nổi lên là ngập lũ, ô nhiễm nguồn nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng dân số và sự phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn khi điều kiện khí tượng và thủy văn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực do tác động của việc sử dụng nước ở thượng nguồn và trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng”, trên đây là nhận định của các nhà khoa học tại hội thảo “Khởi động giai đoạn 2 dự án thích ứng với BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) và Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp CSIRO của Australia cách đây 3 năm đã cùng triển khai dự án thích nghi BĐKH. Dự án ứng dụng phương pháp tiên tiến “Quản lý tích hợp hệ thống nước đô thị” để cải thiện hệ thống dịch vụ và môi trường nước. Trong giai đoạn 1, dự án đã khảo sát rộng rãi từ nhiều gia đình về các vấn đề dịch vụ, môi trường nước đô thị và BĐKH. Đặc biệt, xác định được tập hợp các phương án thích ứng chiến lược cho sự phát triển bền vững của hệ thống và môi trường nước trên địa bàn Cần Thơ trong điều kiện khí hậu thay đổi…

Trong giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức công nghệ cho Cần Thơ theo hướng ứng phó với BĐKH, đảm bảo sinh hoạt của người dân. Cụ thể, dự án sẽ giúp ứng dụng hệ thống thông tin; khai thác sử dụng tài nguyên nước bền vững; chuyển giao cho Cần Thơ kỹ thuật thu gom, trữ và xử lý nước mưa…

CAO PHONG

  • Quảng Nam thành lập thêm 2 nghiệp đoàn nghề cá

(SGGP).– Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam vừa thành lập thêm 2 nghiệp đoàn nghề cá tại xã Duy Nghĩa và Duy Hải (huyện Duy Xuyên). 2 nghiệp đoàn này có 196 hội viên, với mục tiêu giúp đỡ nhau vươn khơi bám biển và cũng là nơi để bà con ngư dân đề xuất tâm tư, nguyện vọng với địa phương và công đoàn cấp trên xem xét giải quyết những quyền lợi chính đáng, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đoàn tàu, tập đoàn đánh cá xa bờ trong chiến lược phát triển biển, đảo của Việt Nam.

Trước đó, Quảng Nam đã thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá tại xã đảo Tam Hải và xã ven biển Tam Quang (huyện Núi Thành) với khoảng 200 hội viên.

NGUYÊN KHÔI

  • Xây dựng công trình làm nứt nhiều nhà dân

(SGGP).– Các ngành chức năng của TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa tiếp tục di dời 3 hộ dân ở tổ dân phố 11, phường B’Lao ra khỏi khu vực nguy hiểm do việc thi công khu tái định cư dự án Bệnh viện II Lâm Đồng gây nên.

Theo phản ánh của người dân, vào mùa khô năm ngoái, Công ty TNHH Trung Hậu (TPHCM) dùng máy móc múc đất ở khu vực chân đồi cách nhà dân khoảng 70m để lấy đất san mặt bằng khu tái định cư dự án Bệnh viện II Lâm Đồng. Đến mùa mưa 2013, do chân đồi bị hổng nên đất trượt, gây nhiều vết nứt lớn ngang qua nhiều nhà dân. Hiện đã có khoảng 10 nhà dân bị nứt, trong đó một số căn nứt toác, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Từ ngày 3 đến 8-8, ngành chức năng TP Bảo Lộc đã di dời 5 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm (địa phương và Công ty Trung Hậu hỗ trợ mức cao nhất 11 triệu đồng/hộ). Trong đó, 2 hộ được bố trí ở tạm tại hội trường tổ dân phố, những hộ còn lại phải thuê nhà trọ.

NAM VIÊN

  • Chấn chỉnh hoạt động taxi trên địa bàn Đà Nẵng

(SGGP).– Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa làm việc với các doanh nghiệp hoạt động taxi và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động này trên địa bàn toàn TP. Theo đó, đến 30-6-2014, các hãng taxi phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe. Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu đề xuất UBND TP phê duyệt các điểm dừng, đậu xe đón khách ưu tiên đối với xe taxi. Hiện Đà Nẵng có 6 hãng taxi với 1.040 xe.

NGUYÊN KHÔI

  • Mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(SGGP).– Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh ranh giới Vườn quốc gia PN-KB. Theo đó, Vườn quốc gia PN-KB có tổng diện tích 123.326ha, tăng 30.570ha so với diện tích cũ. Việc tăng diện tích vườn nhằm bảo tồn nguyên vẹn tính đa dạng sinh học và các giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo mang tính toàn cầu của khối núi đá vôi PN-KB, góp phần vào chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Được biết, Vườn quốc gia PN-KB nằm trong ranh giới hành chính với 7 xã thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa. Có 13 xã vùng đệm nằm trên 3 huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục