Trước đây, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức định kỳ 5 năm cho các thể loại sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… để những người làm sân khấu có cơ hội gặp gỡ, trao đổi bàn bạc về nghề, về định hướng phát triển của từng loại hình. Nhiều bài học kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn, đạo diễn được tổng kết, áp dụng cho thực tế và các hội diễn sau.
Mỗi lần hội diễn đều có những vấn đề về học thuật, về sáng tạo nảy sinh được đúc kết thành các vấn đề lý luận để ứng dụng vào công việc đào tạo đội ngũ trẻ, xây dựng lực lượng diễn xuất cho các đơn vị nghệ thuật.
Có hội diễn đi vào lịch sử vì tác động tích cực của nó vào đời sống sân khấu cũng như đời sống xã hội như hội diễn năm 1985 với sự xuất hiện những tác phẩm gây dư luận tốt, như Nhân danh công lý, Hồn Trương Ba, Mùa hè ở biển. Những tác phẩm đó đã báo hiệu cho sự đổi mới, đưa nghệ thuật đến với công chúng.
Bây giờ thay thế hội diễn bằng liên hoan và được rút ngắn thời gian định kỳ còn 3 năm 1 lần. Ý nghĩa và mục đích có thay đổi nhưng về bản chất liên hoan vẫn mang tính chất là sự kiện, là nơi gặp gỡ, hội tụ những tinh hoa mà các đơn vị tham gia liên hoan mang đến.
Nếu trước đây mỗi lần hội diễn, chúng ta chăm lo nhiều đến chất lượng của sáng tác, biểu diễn, đón nhận những tìm tòi khám phá mới của công tác dàn dựng và là dịp để xem nhau, học hỏi thì trong liên hoan vừa qua tổ chức ở Quảng Ninh, Huế, Thái Bình… người ta mang tới liên hoan nhiều tác phẩm cũ được làm mới lại, thiếu sự cuốn hút của các yếu tố mới, của sự tìm tòi nghệ thuật. Các tiêu chí của liên hoan chưa được xác định rõ ràng mà chỉ giới hạn về đề tài, ví dụ không làm các đề tài về lịch sử. Mục đích của liên hoan nhằm tạo điều kiện cho nghệ sĩ có được những tấm huy chương vàng, bạc làm chuẩn cho việc nhà nước xét phong tặng danh hiệu NSND – NSƯT là cần nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ so với các yêu cầu của liên hoan.
Có cảm giác những cuộc hội ngộ trong liên hoan mới chỉ thể hiện được tính chuyên nghiệp về hình thức, quy mô của tác phẩm dự thi mà chưa thấy tính chuyên nghiệp về nghề ở số đông đạo diễn trẻ và nghệ sĩ trẻ, vốn cần được xuất hiện, tìm thấy ở mỗi kỳ liên hoan.
Những cuộc hội thảo trong và sau liên hoan cần đi vào thực chất của các vấn đề mà liên hoan đặt ra. Gọi là hội thảo nhưng chúng ta mới chăm lo phần hội, nghĩa là đọc các tham luận, còn các hình thức thảo luận sâu để đi đến hiệu quả thiết thực thì chưa thực hiện được vì thiếu thời gian.
Hiện nay chúng ta chấp nhận một thực tế là còn yếu trong lĩnh vực lý luận phê bình. Điều này đã được nêu lên ở hầu hết các cuộc hội thảo sân khấu nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Nhận thức lý luận có từ thực tiễn đòi hỏi người làm sân khấu phải có những nỗ lực trong tìm kiếm chất lượng mới. Liên hoan Sân khấu kịch nói tại Huế vừa qua chưa đem lại nhiều cái mới nên rất hy vọng ở Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ ngày 20-10-2012 tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Định hướng tương lai của liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nên là cuộc tổng kết những khám phá thử nghiệm, những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ sân khấu trong sáng tác, biểu diễn, dàn dựng của người làm sân khấu giữa hai kỳ liên hoan; đồng thời liên hoan còn là nơi hội tụ, gặp gỡ của các thế hệ người làm nghề, là môi trường đắc địa cho các thế hệ trẻ, là một đóng góp không nhỏ cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Hoàng Việt